Trước đó, trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án cũng đã được tổ hợp tư vấn giữa công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 và Viện năng lượng thực hiện và được Chính phủ đồng ý chấp thuận bổ sung vào tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn đến 2030 (Tổng sơ đồ VII) vào đầu tháng 5-2013 và giao SCU làm chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Tổng công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd là một đơn vị thuộc 100% sở hữu của Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd ("SCI") với số vốn hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore khoảng 8,6 tỷ đô la và chuyên hoạt động trên lĩnh vực cung cấp năng lượng, nước, dịch vụ tại chỗ cho các khách hàng trong các cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng. SCU có bề dày thành tích với 12 năm kinh nghiệm làm nhà đầu tư, chủ sở hữu và nhà khai thác các nhà máy sản xuất điện với khả năng sản xuất từ nhiều loại nhiên liệu khác nhau như khí, than và các nguồn năng lượng tái tạo. Với tổng danh mục đầu tư sản xuất điện lên tới 8.000 MW, SCU có năng lực mạnh trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả tốt hơn, độ tin cậy cao hơn và giảm phát thải. Tại Việt Nam, SCU sở hữu 33,33% cổ phần của Công ty Điện lực BOT Phú Mỹ 3 với tổng vốn đầu tư 412 triệu đô la.
Theo quy hoạch đã được chấp thuận, dự án Nhà máy nhiệt điện đốt than Dung Quất với quy mô công suất 1.200MW do SCU làm chủ đầu tư sẽ được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp phía Đông của khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến nhà máy sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2020 và sẽ đóng góp sản lượng điện rất lớn cho việc phát triển khu kinh tế Dung Quất nói riêng và toàn bộ khu vực miền Nam Trung Bộ nói chung, là nguồn đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy sẽ được SCU vận hành khai thác trong vòng 25 năm và chuyển giao lại cho phía Việt Nam.
Nguồn than cung cấp cho NMNĐ Dung Quất sẽ được SCU nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia và được vận chuyển về địa điểm nhà máy bằng tàu biển có tải trọng khoảng 100.000 DWT. Để phục vụ cho việc nhập khẩu than, tại khu vực cảng biển Dung Quất, SCU cũng sẽ đầu tư xây dựng bến bốc dỡ than phù hợp với loại tàu biển sử dụng và nhu cầu than cho vận hành nhà máy.
Dự án NMNĐ Dung Quất sẽ sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, thông số hơi siêu tới hạn (supercritical), công nghệ lò hơi đốt than phun (PC) hiện đại, phù hợp với các loại than nhập khẩu có chất lượng cao. Đây là công nghệ hiện đại, tiên tiến, hiệu suất cao và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Cùng với lễ ký hợp đồng dịch vụ tư vấn lập nghiên cứu khả thi dự án NMNĐ Nghi Sơn 2 với Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni-KEPCO mới đây (ngày 17-5-2013), lễ ký hợp đồng với SCU khẳng định sự lớn mạnh của PECC1 trong việc tiếp cận thị trường, tạo được lòng tin với các đối tác nước ngoài.
Tại buổi lễ, lãnh đạo PECC1 cam kết sẽ cung cấp gói dịch vụ tư vấn tốt nhất đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe của đối tác SCU về tiến độ và chất lượng sản phầm theo như hợp đồng đã ký.