Một số thông số thông tin về dự án:
Dự án thủy điện Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu thuộc địa phận huyện Than Uyên và Tân Uyên của tỉnh Lai Châu. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên lưới điện Quốc gia với tổng công suất thiết kế là 220MW (2x110MW), sản lượng điện trung bình hàng năm là 769,7 triệu kWh (ngoài ra gia tăng cho thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La là 388,4 triệu kWh). Đập dâng thủy điện Bản Chát có chiều cao 130m, dài trên 425m được thi công bằng bê tồng đầm lăn (RCC) có khối lượng 1.610.984m3.
Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ chính để thực hiện Dự án bao gồm: Hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện và dịch vụ kỹ thuật được cung cấp bởi nhà thầu Dongfang Electric Corporation (Trung Quốc) ký ngày 26 tháng 6 năm 2007; Hợp đồng cung cấp thiết bị cơ khí thủy công và dịch vụ kỹ thuật được cung cấp bởi nhà thầu Liên danh Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghệ (MIE), Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinawincon) và Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) ký ngày 21 tháng 7 năm 2010; Hợp đồng cung cấp cầu trục gian máy được cung cấp bởi Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinawincon) và Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) ký ngày 04 tháng 02 năm 2010.
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam và được chuyển giao chính thức cho Tổng công ty Phát điện 3 từ ngày 26 tháng 4 năm 2013.
- Đại diện Chủ Đầu tư: Ban Quản lý Dự án Thủy điện 1.
- Tư vấn thiết kế chính: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1.
- Các đơn vị tham gia xây dựng công trình:
+ Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Tổng thầu xây lắp).
+ Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.
+ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam mà đại điện là Công ty cổ phần Lắp máy 10.
+ Tổng công ty Xuất nhập khẩu Việt Nam mà đại điện là Công ty cổ phần Xây dựng Công trình ngầm.
+ Công ty Việt Bắc – Bộ Quốc phòng (nay là Công ty TNHH MTV Khai Khoáng Việt Bắc thuộc Quân Khu 1).
+ Công ty cổ phần Sông Đà 7 thuộc Tổng công ty Sông Đà.
Quá trình xây dựng dự án:
Trong quá trình triển khai xây dựng, Dự án có rất nhiều khó khăn mà phía chủ đầu tư và tổng thầu gặp phải như: Đập chính thủy điện Bản Chát là một trong các đập lớn của thế giới được thi công bằng bê tông đầm lăn (RCC), do đó kinh nghiệm của Tư vấn thiết kế, nhà thầu còn có hạn chế, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, giá cả vật tư vật liệu trên thị trường trong nước và thế giới đột ngột tăng cao, khủng hoảng tài chính toàn cầu… Để giải quyết các khó khăn đó, Chủ đầu tư cùng với tổng thầu đã thực hiện các giải pháp thiết thực như: Tăng cường thêm nhân lực, thiết bị và thời gian thi công để hoàn thành các hạng mục chính; phối hợp tốt với chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định canh định cư; chủ động trong việc giải quyết về vốn cho dự án… đến nay đã đem lại hiệu quả tích cực.
Một số mốc tiến độ chính của dự án đã đạt được:
- Khởi công công trình: Ngày 08 tháng 01 năm 2006.
- Ngăn sông đợt 1: Ngày 27 tháng 02 năm 2008.
- Thi công đập dâng RCC từ ngày 31 tháng 10 năm 2009 đến ngày 01 tháng 7 năm 2012.
- Bắt đầu ngăn sông tích nước hồ chứa giai đoạn 1 từ ngày 10 tháng 12 năm 2011. Giai đoạn 2 từ ngày 08 tháng 10 năm 2012 để cho phép đạt mức nước dâng bình thường (hiện nay đạt 473,4/475m).
- Khởi động không tải tổ máy số 1: Ngày 02 tháng 02 năm 2013.
- Hòa lưới thử nghiệm lần đầu tổ máy số 1: Ngày 08 tháng 02 năm 2013.
- Hoàn thành thử nghiệm 30 ngày theo quy định và bắt đầu phát điện thương mại: Ngày 28 tháng 4 năm 2013.
- Khởi động không tải tổ máy số 2: Ngày 25 tháng 5 năm 2013.
- Hòa lưới thử nghiệm lần đầu tổ máy số 2: Ngày 29 tháng 5 năm 2013.
Địa điểm, diện tích sử dụng đất:
- Địa điểm: Các công trình đầu mối và nhà máy thủy điện nằm trên sông Nậm Mu, thuộc địa phận xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
- Diện tích chiếm đất: 8.231 ha bao gồm diện tích đất thu hồi và vùng ngập lòng hồ (Theo Quyết định số 834/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Bản Chát).
Tổng mức đầu tư: 9.198,143 tỷ đồng
Nguồn vốn: Vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vay tín dụng ưu đãi, vay thương mại các Ngân hàng trong nước và vay thương mại ngân hàng nước ngoài. Vốn đầu tư xây dựng Dự án thủy điện Bản Chát đã được Ban Quản lý Dự án Thủy điện 1 ký hợp đồng tín dụng vay vốn tín dụng ưu đãi với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Lai Châu, vay vốn tín dụng thương mại với các ngân hàng mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đầu mối, vay bổ sung vốn tín dụng thương mại với Ngân hàng VietinBank chi nhánh Bắc Hà Nội và vay thương mại nước ngoài với Ngân hàng China EximBank.
Công tác giải phóng mặt bằng:
- Khu vực mặt bằng công trường: Đã hoàn thành 50/50 hộ.
- Khu vực lòng hồ: Đã hoàn thành di chuyển về khu tái định cư được 3.284/3.284 hộ (trong đó có 81 hộ di chuyển tạm do chưa hoàn thành khu tái định cư).
Công tác quản lý chất lượng dự án:
Đạt được mốc hòa đồng bộ như ngày hôm nay là quá trình nỗ lực làm việc hiệu quả, trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu. Việc hòa đồng bộ tổ máy số 2 Nhà máy Thủy điện Bản Chát vào lưới điện quốc gia ở thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, bổ sung kịp thời công suất cho hệ thống điện Quốc gia vào cuối mùa khô 2013, đồng thời bổ sung nguồn nước cho sông Đà, đáp ứng nhu cầu điện và nước rất lớn trong những ngày nắng nóng của mùa hè năm 2013.