Hội thảo “ Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến”

Ngày 23/8/2022, tại trụ sở Công ty đã diễn ra Hội thảo “ Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến” do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) và tập đoàn MC – Bauchemie (CHLB Đức) đồng tổ chức.

Tham dự hội thảo, về phía PECC1 có ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Tổng giám đốc; Ban lãnh đạo cùng các kỹ sư, chuyên gia thuộc Công ty. Phía MC – Bauchemie có ông Zur Muehlen Wolf Ekkehard - Tổng Giám đốc Tập đoàn cùng các chuyên gia kỹ thuật (đến từ CHLB Đức và Việt Nam). Tham dự hội thảo còn có sự tham dự của các vị khách mời như: ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng, cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (NLTT); cùng các vị khách quí đến từ các đơn vị: các phòng của Cục Điện lực và NLTT, các Ban của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty phát điện (GENCO); các Nhà máy thủy điện; các Ban quản lý; Hiệp hội; Trường, Viện cùng gần 100 đại biểu đại diện các công ty, doanh nghiệp, nhà thầu thi công, chủ đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng Giám đốc PECC1 đọc diễn văn khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Tổng Giám đốc PECC1 cho biết: trong bối cảnh Hệ thống điện Việt Nam những năm gần đây, nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành, tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống (do đặc tính không ổn định), thì Thủy điện với khả năng tham gia phủ đỉnh biểu đồ phụ tải cũng như hỗ trợ điều tần một cách nhanh nhất vẫn là một trong những nguồn phát giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam.

Đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống điện của Việt Nam đạt 76.620MW, trong đó riêng Thủy điện chiếm 28.5%, trong đó đa số các NMTĐ đã có thời gian vận hành hơn 10 năm hoặc lâu hơn kèm theo đó xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, thể hiện qua các hiện tương nứt kết cấu bê tông thân đập trọng lực và tràn, thấm ở thân đập trọng lực và nền đập. Một số kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trên tuyến năng lượng như áo đường hầm, kênh hộp dẫn nước có áp, tháp điều áp hay nhà máy cũng có hiện tượng thấm và nứt. Hiện tượng nứt và thấm có khả năng làm giảm tuổi thọ của công trình, trong trường hợp cực đoan có thể ảnh hưởng tới an toàn công trình. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao an toàn công trình, tránh các tác động tiêu cực về xã hội.

Cùng với hơn 55 năm kinh nghiệm tư vấn thiết kế, thí nghiệm vật liệu cũng như thiết kế thành phần cấp phối các loại bê tông RCC và CVC của PECC1 tại các công trình thủy điện, thủy lợi trọng điểm ở Việt Nam và khu vực, PECC1 luôn hướng tới không chỉ thực hiện tốt công việc tư vấn cho giai đoạn thiết kế mà còn luôn đồng hành cùng các nhà quản lý, các chủ đầu tư trong suốt thời gian vận hành dự án, nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình. Do đó, các kỹ sư Thiết kế & Thí nghiệm của PECC1 đã cùng chuyên gia MC- Bauchemie hợp tác nghiên cứu để đưa ra các giải pháp tiên tiến cũng như công nghệ mới nhất để xử lý chống thấm, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục bê tông, nền đất yếu cho các nhà máy điện trong giai đoạn vận hành, sửa chữa.

 Ông Zur Muehlen Wolf Ekkehard - Tổng Giám đốc tập đoàn MC-Bauchemie phát biểu

Xuất phát từ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài, Tập đoàn MC - Bauchemie đã hợp tác với EVNPECC1 đồng tổ chức Hội thảo "Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các Công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến", nhằm đưa ra trao đổi, thảo luận đồng thời giới thiệu những giải pháp tiên tiến cũng như công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xử lý chống thấm, gia cố các hạng mục bê tông, nền đất yếu cho các Nhà máy điện trong giai đoạn vận hành nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng, cục Điện lực và NLTT (thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu thuộc EVN và các vị khách quý đang nghe phần trình bày của các chuyên gia tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Zur Muehlen Wolf Ekkehard - Tổng giám đốc tập đoàn MC-Bauchemie cho biết: Tập đoàn MC - Bauchemie có trụ sở tại Bottrop (CHLB Đức), được thành lập năm 1961, cho đến nay đã có hơn 2500 nhân viên cùng với hơn 60 năm kinh nghiệm chuyên về các sản phẩm công nghệ, lĩnh vực phụ gia, hóa chất xây dựng cùng cung cấp các giải pháp chống thấm tiên tiến đã xử lý dứt điểm các vấn đề thấm tại các công trình đường hầm, thủy điện ở hơn 40 nước trên thế giới. Có mặt tại buổi hội thảo ngày hôm nay,  Tập đoàn MC-Bauchemie hướng tới cam kết lâu dài tại Việt Nam và chắc chắn mong muốn giải quyết các nhu cầu rất cụ thể của các đối tác, khách hàng trong các ứng dụng mà MC đã cung cấp rất thành công trên toàn cầu.

Ông Lê Quang Huy – Trưởng phòng Kỹ thuật và HTQT thuộc PECC1 trình bày tham luận

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Quang Huy – Trưởng phòng Kỹ thuật và HTQT thuộc PECC1 đã có bài tham luận về “Một số dạng nứt và thấm thường gặp trong kết cấu bê tông thủy công và nền đá” với các vấn đề như:

  • Một số dạng nứt và thấm trong bê tông và ảnh hưởng của chúng tới an toàn đập trọng lực
  •  Một số vết nứt và thấm ở đập tràn
  •  Một số vết nứt có thể gặp ở hầm dẫn nước và nhà máy
  •  Thấm trong nền đá

Ông Thengil Sumesh Sreedhar chuyên gia MC– Bauchemie giới thiệu về công nghệ vật liệu tiên tiến của Tập đoàn tại Hội thảo

Tiếp đến, chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của MC – Bauchemie, ông Thengil Sumesh Sreedhar đã trình bày nội dung về Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các Công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến của Tập đoàn.

Thực nghiệm giới thiệu sản phẩm mẫu tại hội trường Hội thảo do chuyên gia MC – Bauchemie thực hiện

Hội thảo sau đó được tiếp tục với các thảo luận, hỏi đáp sôi nổi giữa MC – Bauchemie và các khách mời, cùng với đó là thực nghiệm được diễn ra ngay tại hội trường Hội thảo và tại sân trụ sở PECC1. Thí nghiệm do các kỹ sư thiết kế, Thí nghiệm của Công ty phối hợp cùng chuyên gia MC – Bauchemie thực hiện các mô hình về giải pháp xử lý chống thấm đối với các vấn đề hay xảy ra tại các đập ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, nhằm xử lý dứt điểm vấn đề thấm tại các đập bê tông, nền đất yếu với sản phẩm được sử dụng là keo MC-Injekt 2700/ MC-Injekt 2700L (Keo PU cường độ cao (~70MPa), tạo foam cứng (đến khoảng 20MPa) nếu gặp nước; Thời gian đông cứng của keo (từ khoảng 15 giây đến 30 phút) có thể điều chỉnh theo điều kiện công trường). Thí nghiệm được thực hiện cụ thể bằng các mô hình sau:

1.      Xử lý chống thấm qua khe nhiệt (khe co giãn/ khe J);

2.      Xử lý chống thấm qua hành lang, thấm qua nền, vai đập.

Ông Suemeh Đại diện MC - Bauchemie tiếp tục thực hiện thí nghiệm mô hình Chống thấm mảng và xử lý khe J.

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp và được các khách tham dự đóng góp ý kiến cũng như đánh giá cao về công nghệ, sát với thực tiễn đang diễn ra tại các đập thủy điện, thủy lợi ở Việt Nam, và hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong công tác xử lý chống thấm cũng như gia cố các công trình năng lượng và thủy công nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ đáng kể cho công trình.

Các bên chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

  • 23/08/2022 01:44

Lĩnh vực hoạt động