Thủy điện Lai Châu: Quyết tâm về đích sớm một năm

Cùng với việc xây dựng công trình Thủy điện Sơn La (TĐSL), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành khảo sát Dự án Thủy điện Lai Châu (TĐLC) - bậc thang thứ 3 dòng chính sông Đà, đã được Quốc hội khóa XII thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6 năm 2010.

Vai trò bậc thang Thủy điện Sông Đà đối với nền kinh tế quốc dân là vô cùng quan trọng. Trước hết là vấn đề cấp nước. Tổng dung tích hữu ích các hồ chứa trên dòng chính là 12,33 tỷ m3 (Hòa Bình 5,03 tỷ m3, Sơn La 6,5 tỷ m3 và Lai Châu 0,799 tỷ m3). Tổng dung tích hữu ích các hồ chứa của toàn bộ bậc thang là 14,157 tỷ m3 (cộng thêm các hồ nhánh Nậm Mu 1,718 tỷ m3 và các hồ nhánh Nậm Chiến 0,109 tỷ m3). Lượng nước quý giá này là tài sản quốc gia, cần được quản lý, sử dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất  thông qua các Quy trình điều tiết liên hồ chứa, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể. 
 
Thứ hai là đóng góp vào Chương trình chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội. Các nghiên cứu cho thấy, với tình trạng đê điều được quản lý tốt như hiện nay, dung tích dành cho chống lũ 7 tỷ m3 của 2 hồ chứa trên Sông Đà (Sơn La 4 tỷ m3 và Hòa Bình 3 tỷ m3) cùng với các hồ chứa Tuyên Quang và Thác Bà trên hệ thống Sông Lô đảm bảo chống được con lũ có tần suất xuất hiện 500 năm /lần. Trong đó, đã tính đến sự điều tiết tự nhiên khi xả lũ của hai hồ chứa Bản Chát và Lai Châu . Thực tế đã chứng minh hiệu quả chống lũ của các hồ chứa trên Sông Đà. Từ năm 1988, khi hồ chứa Hòa Bình bắt đầu điều tiết, đồng bằng Bắc Bộ không còn bị ngập lụt nặng như các năm 1945, 1971...
 
Thứ ba, đảm bảo tốt việc cung cấp điện năng, phủ đỉnh phụ tải của hệ thống điện, đặc biệt khi nắng nóng kéo dài (tháng 5, 6 hàng năm). Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện trên Sông Đà, với sản lượng điện tương ứng là 27,6 tỷ kWh/năm, chiếm 27% tổng công suất thủy điện cả nước (chưa tính công suất các thủy điện nhỏ là 6700 MW). Như vậy, các nhà máy thủy điện được xây dựng trên bậc thang chính sông Đà  đang và sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc nâng cao chất lượng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
 
Toàn cảnh công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Với mục tiêu tận dụng kinh nghiệm tích lũy được của đội ngũ cán bộ, công nhân trong quản lý, thi công công trình TĐSL và tiếp tục sử dụng dây chuyền công nghệ bê tông đầm lăn đang hoạt động rất hiệu quả, Chính phủ đã cho phép chuyển giao bộ máy thi công từ TĐSL sang thi công công trình TĐLC.
 
Tập thể CBCN thi công trên công trình TĐLC với tinh thần trách nhiệm cao, đã phát huy được kinh nghiệm và có nhiều sáng tạo trong quản lý, thi công, đảm bảo phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 năm 2015 và hoàn thành toàn bộ công trình năm 2016, vượt 1 năm so với tiến độ Quốc hội giao. Đây là lần thứ hai tập thể CBCNV và người lao động trên công trường đạt được thành tích này, sau lần đầu tiên vượt tiến độ 3 năm khi thi công Dự án TĐSL.
 
Từ thành công này, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
 
1. Biết tận dụng mọi yếu tố để rút ngắn tiến độ thi công:
 
Thời gian từ Báo cáo Nghiên cứu khả thi được duyệt (tháng 6 năm 2010) đến Thiết kế kỹ thuật (TKKT) được duyệt (tháng 11 năm 2011) là 18 tháng.
 
Thông thường, đây là thời gian thực hiện công tác chuẩn bị xây dựng. Tuy nhiên, BQL Dự án TĐLC đã tranh thủ thực hiện một phần khối lượng thi công các hạng mục công trình chính nằm trên đường găng tiến độ như, công trình dẫn dòng và nhà máy thủy điện. Ở cả hai hạng mục này đều có khối lượng đào móng lớn.
 
Đầu năm 2010 đã xác định khối lượng đào móng đợt 1 là 4,4 triệu m3 (chiếm 29% tổng khối lượng đào là 15 triệu m3), đủ cho lực lượng công nhân và xe máy đang hết việc từ TĐSL thi công trong 1 năm. Đào trước một phần hố móng công trình dẫn dòng đã tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch ngăn sông tháng 4 năm 2012 và cắt giảm được 167m chiều sâu hố móng, cắt bớt phần ngọn hố móng, đảm bảo an toàn cho công nhân và thiết bị làm việc sau này ở các tầng phía dưới.
 
2. Đã có nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật hợp lý:
 
Trong thực hiện TKKT đã nghiên cứu tìm được các giải pháp kỹ thuật hợp lý. Cụ thể:
 
- Tăng chiều sâu xả tràn từ 15m lên 20m;
 
- Bố trí công trình xả sâu độc lập với công trình xả tràn;
 
- Tăng tiến độ nâng đập bê tông đầm lăn ở vai phải.
 
Về chiều sâu xả tràn các đập ở Việt Nam thường là 12m, ở TĐSL là 15m. Qua kết quả thí nghiệm mô hình thủy lực và tham khảo khả năng chế tạo cửa van cung của các đơn vị cơ khí trong nước, đơn vị thiết kế đã mạnh dạn nâng chiều sâu xả tràn của TĐLC lên 20m, chọn phương án 6 cửa kích thước 15m x 20m. Đây là kích thước cửa tràn lớn nhất ở Việt Nam, nhưng vẫn giữ kích thước bề rộng của khoang như ở nhiều dự án khác để hạn chế bề rộng tổng thể của công trình đập tràn, phù hợp với việc bố trí tổng thể công trình của TĐLC, nơi lòng sông của tuyến đập rất hẹp do các núi đá (granit) rất cứng đã khống chế hai vai.
 
Việc nghiên cứu bố trí công trình xả sâu ở TĐLC đã thực hiện với hai phương án: Xả sâu đặt dưới xả tràn (mô hình công trình xả ở Sơn La và Hòa Bình) và xả sâu bố trí độc lập xả tràn. Qua nghiên cứu, phân tích cho thấy, phương án bố trí độc lập sẽ đơn giản hơn trong kết hợp thi công bê tông đầm lăn, tăng được khối lượng bê tông đầm lăn vốn có giá rẻ hơn và đặc biệt thời gian xây dựng đập giảm được 6 tháng.
 
Theo trình tự thi công bê tông đầm lăn, đoạn đập vai phải được thực hiện cuối cùng. Ở đoạn này đập cao 103m, chủ yếu là  thi công bê tông đầm lăn (102m) và phải hoàn thành  trong 5 tháng (tháng 12 năm 2014 đến tháng 5 năm 2015), tiến độ nâng đập bình quân 20m/tháng, nếu tính tới thời gian ngừng thi công để lắp ván khuôn thép cho 2 hành lang ngang ở các cao độ trung gian thì tiến độ nâng đập trong nhiều tháng đã lên đến 30m/tháng, tức mỗi ngày bình quân nâng lên 3,5 lớp x 30cm. Đây là kỷ lục nâng đập ít thấy trên thế giới.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN Nguyễn Hữu Tuấn (người ngồi giữa) tham quan Phòng

điều khiển - Nhà máy Thủy điện Lai Châu

3. Thực hiện  tối ưu hóa khối lượng xây dựng và đầu tư thiết bị công nghệ:
 
Thực hiện Chương trình “Tối ưu hóa chi phí” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động, Ban quản lý Dự án đã nghiên cứu các điều kiện thực tế, thực hiện mọi biện pháp nhằm giảm khối lượng xây dựng và đầu tư mua sắm. Điển hình là hai trường hợp sau đây:
 
- Hiệu chỉnh TKKT vai trái đập. Trong quá trình đào móng vai trái cho thấy, mặt đá tốt xuất hiện cao hơn so với TKKT quy định, nên đã tiến hành khoan khảo sát bổ sung bằng máy khoan 2 nòng, lấy mẫu nguyên dạng. Sau khi nghiên cứu, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức hiệu chỉnh TKKT vai trái đập, trình Hội đồng Thẩm định xét duyệt. Kết quả, đã  giảm khối lượng đào đá 233 nghìn m3, giảm khối lượng bê tông 219 nghìn m3 và cho phép thay đổi công nghệ thi công hợp lý hơn. Giải pháp này đã tiết kiệm được 255 tỷ đồng.
 
- Đề xuất mua thiết bị cơ điện như ở TĐSL. Sau 2 năm vận hành và qua kiểm định cho thấy, thiết bị cơ điện của TĐSL đảm bảo vận hành tốt, đồng thời xét thấy các thông số kỹ thuật của nhà máy TĐLC đều giống ở TĐSL, chỉ khác thông số cột nước tính toán, HSL=78m còn HLC=80,5m. Sau khi tiếp xúc, tìm hiểu, Nhà cung cấp thiết bị nhận thấy, các  tổ máy TĐSL hoàn toàn có thể làm việc với cột nước tính toán của TĐLC. Nếu mua công nhệ này sẽ  có lợi: Đáp ứng tiến độ chạy máy sớm 1 năm; giảm chi phí do nhà thầu đã có kinh nghiệm chế tạo và cung cấp. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép chọn phương án này với điều kiện phải giảm giá. Kết quả đàm phán, nhà thầu đồng ý giảm giá 3 triệu USD bao gồm các khoản, không tính chi phí thiết kế và thí nghiệm chọn tuốc bin 2,9 triệu USD và ưu tiên giảm giá 0,1 triệu USD.
 
4. Thu xếp vốn cho Dự án là khâu quyết định:
 
Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều dự án, ưu tiên nguồn vốn tự có cho các công trình cấp bách đảm bảo “Điện cho miền Nam”, nên đầu tư cho Dự án TĐLC gặp nhiều khó khăn. 
 
Đầu tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay 6 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội cấp cho Dự án TĐLC. Nhờ đó, CBCNV và người lao động trên công trường đã tích cực làm việc, không quản nắng mưa, đến tháng 4 năm 2012 đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch ngăn sông.
 
Đến cuối năm 2015, khối lượng xây lắp công trình đã đạt trên 90% kế hoạch, nguồn vốn đã được thu xếp đủ, đảm bảo thực hiện hoàn chỉnh Dự án và Chủ đầu tư cam kết sẽ không vượt Tổng mức đầu tư là 35.700 tỷ đồng do Quốc hội thông qua. Suất đầu tư của Dự án tính theo USD sẽ không vượt 1.350 USD/kW công suất. Qua đó, một lần nữa chứng minh tính hiệu quả của Dự án TĐLC.
 
Sau khi kiểm tra, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã cho phép đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa đến MNDBT (Biên bản nghiệm thu ký ngày 17 tháng 6 năm 2015) và thực tế hồ chứa đã tích nước đến MNDBT vào giữa tháng 11 năm 2015.
 
Thời điểm hoàn thành công trình TĐLC cũng là thời điểm hoàn tất bậc thang thủy điện Sông Đà, một dòng sông có vị trí to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Vinh quang thay tập thể những người xây dựng các công trình điện trên Sông Đà! 
 
Các thông số cơ bản công trình TĐLC được phê duyệt như sau:
 
- Mực nước dâng bình thường (MNDBT) hồ chứa 295,0m;
- Dung tích hồ chứa: 1,215 tỷ m3;
- Dung tích hữu ích hồ chứa: 799 triệu m3;
- Công suất lắp máy: 1.200 MW;
- Điện lượng trung bình năm: 4,69 tỷ kWh;
-  Tăng điện lượng các bậc dưới: 105 triệu kWh;
- Tổng mức đầu tư (giá trị sau thuế): 35.700 tỷ đồng;
- Khởi công xây dựng: Quý IV năm 2010, (thực tế tháng 01 năm 2011);
- Ngăn sông quý I năm 2012;
- Phát điện tổ máy số 1: Tháng 3 năm 2016, (thực tế tháng 12 năm 2015);
- Hoàn thành toàn bộ: Năm 2017, (Dự kiến hoàn thành năm 2016, trước tiến độ yêu cầu1 năm).
 

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

  • 05/01/2016 08:58