Sửa chữa thủy điện Xekaman 3: Chia sẻ của người trong cuộc

Được giao nhiệm vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công giải pháp sửa chữa cho dự án Nhà máy Thủy điện Xekaman 3 (tại Lào), Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (EVNPECC 1) đã vượt qua mọi khó khăn, khẳng định năng lực của một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, uy tín thuộc EVN. Trang tin evn.com.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc EVNPECC 1 về dự án này.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc EVNPECC 1

Dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Xekaman 3 do nhà đầu tư Việt Nam thực hiện tại tỉnh Xê kông (Lào). Dự án được đưa vào vận hành từ năm 2013, tuy nhiên trong quá trình chạy máy, tuyến ống áp lực gặp một số sự cố tại đường ống áp lực phía thượng lưu gây dừng máy. Vì vậy để đảm bảo chất lượng và uy tín của phía Việt Nam, trong Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 31/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công giải pháp sửa chữa dài hạn cho tuyến đường ống áp lực và mái đào thượng lưu nhà máy.

Tổ máy số 1 của nhà máy đã được vận hành thương mại trở lại từ 7h30 ngày 22/5/2022; tổ máy số 2 là 17h30 ngày 2/6/2022, kịp thời phát điện để truyền tải về Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết trước mùa nắng nóng.

PV: Khi tham gia dự án này, EVNPECC 1 đã gặp phải những khó khăn, phức tạp như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Vấn đề đầu tiên là địa chất công trình rất phức tạp. EVNPECC 1 đã thực hiện nhiều hố khoan khảo sát địa chất bổ sung, có hố sâu tới trên 250m. Vì vậy, công tác khoan cực kì khó khăn do rủi ro sập thành hố khoan. Việc đánh giá cấu tạo địa chất rất dễ dẫn tới phán đoán sai nếu không khảo sát vượt qua độ sâu quy định cho các dự án thông thường.

Thứ hai, đây là dự án sửa chữa nên việc tận dụng tối đa các công trình hiện có để giảm chi phí cho chủ đầu tư, nhưng phải đảm bảo an toàn cho công trình được đưa lên hàng đầu.

Thứ 3, thiết kế công trình được thẩm tra qua nhiều bước rất khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng thiết kế từ nhiều đơn vị tư vấn độc lập trong và ngoài nước.

Trước những thách thức này, EVNPECC 1 đã sử dụng lực lượng khoan chuyên nghiệp để thực hiện khoan những hố khoan có chiều sâu tới trên 200m vẫn gặp tầng tảng lăn. Mặt cắt địa chất cũng được kiểm nghiệm bằng phương pháp vi địa chấn (micro-seismicity) từ Công ty Terravox của Liên Bang Nga. Nhờ đó mô hình địa chất công trình do EVNPECC 1 lập đảm bảo độ chính xác cao, khắc phục các hạn chế về sơ đồ địa chất trong các giai đoạn khảo sát trước đây.

Về giải pháp thiết kế công trình trong địa chất yếu, tầng phủ dày, EVNPECC 1 đã lựa chọn giải pháp đưa đoạn ống mới nằm xuống sâu để phần lớn chiều dài đường ống nằm trong đới đá phong hóa nhẹ (IIA) tới trung bình (IB). Tại những đoạn hầm dự kiến bắt buộc phải cắt qua địa chất rất xấu với đất dày tới 150 – 180m, EVNPECC 1 đã chủ động đưa ra phương án bố trí lỗ khoan tiêu nước kiêm thăm dò vượt trước để xác định chuẩn xác vị trí đới yếu. Biện pháp chống đỡ tạm cho khu vực này được thực hiện bằng các vì thép I600 cường độ cao cho gương đào có đường kính tới 8m kết hợp khoan tạo ô trên nóc hầm.

Bên cạnh đó, EVNPECC 1 đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để gia cường các đoạn ống cũ. Mặt trong các đoạn ống thép cũ được dán bổ sung các lớp polimer gia cường sợi carbon cường độ cao, dày tới 28mm. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp gia cường sợi carbon với cột áp trên 500m cho ống có đường kính lớn.

PV: Với một dự án sửa chữa phức tạp như vậy, EVNPECC 1 đã huy động nguồn nhân lực cho dự án này như thế nào? 

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: EVNPECC 1 đã tập trung trí tuệ tập thể để tham gia khảo sát thiết kế và tư vấn hiện trường cho phương án sửa chữa dài hạn. Các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo công ty đã trực tiếp theo dõi và chỉ đạo công tác tư vấn cho dự án. Lãnh đạo công ty cũng như bản thân tôi đã có hàng chục lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và góp ý nhiều ý kiến về công tác khảo sát thiết kế.

Đội ngũ trực tiếp tham gia khảo sát thiết kế là những chuyên gia tốt nhất của EVNPECC 1 về thủy điện. Chủ nhiệm thiết kế là trưởng phòng kỹ thuật của EVNPECC 1, là người tốt nghiệm cao học phát triển thủy điện loại xuất sắc ở Na Uy, có nhiều kinh nghiệm khảo sát thiết kế các dự án công trình ngầm của EVNPECC 1.

Trong quá trình thi công dự án, nhân sự của EVNPECC 1 có mặt liên tục tại công trường để đảm bảo công tác giám sát tác giả và mô tả hố móng công trình, kịp thời hiệu chỉnh thiết kế theo điều kiện hiện trường.

Trong điều kiện dịch COVID-19, các kĩ sư địa chất của EVNPECC 1 đã trực ở công trường hàng năm liền mà không về nghỉ phép, kể cả lễ tết.

Công trình Thủy điện Xeekaman 3. Nguồn ảnh: ĐVCC

PV: Qua dự án này, EVNPECC 1 đã có thêm những kinh nghiệm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Đội ngũ của EVNPECC 1 đã trưởng thành vượt bậc trong công tác khảo sát – thí nghiệm, thiết kế sửa chữa tại những công trình có địa chất xấu.

Các bài học từ việc lập chương trình, đào tạo và hỗ trợ thực hiện quan trắc cho chủ đầu tư đã giúp công ty có thêm nhiều kinh nghiệm cho công tác quan trắc và lập mô hình địa chất cho các dự án có vấn đề về ổn định địa chất. Công tác thiết kế theo tiêu chuẩn EU – G7 như yêu cầu của Chính phủ Lào đã giúp EVNPECC 1 thêm kinh nghiệm thực hiện thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án nước ngoài như thủy điện Nậm Mô 2 tại Lào hay thủy điện Tanahu tại Nepal.

Sau khi có kết quả thí nghiệm gia cường sợi carbon, EVNPECC 1 hoàn toàn tự tin áp dụng giải pháp này khi gia cường cho một số kết cấu đường ống áp lực hay bê tông cốt thép thủy công khác tại Việt Nam .

PV: Dự án Nhà máy Thủy điện Xekaman 3 này có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần đảm bảo điện cho Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Dự án này cung cấp điện lượng gần 1 tỷ kWh hàng năm về Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho nước ta vào mùa nắng nóng năm nay. 

Đồng thời, việc phát điện trở lại góp phần cung cấp một nguồn thu thuế đáng kể cho Chính phủ Lào. Dự án cũng góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia. 

Về phía EVNPECC 1, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng chủ đầu tư dự án NMTĐ Xekaman 3 và các chủ đầu tư tiềm năng khác trong các dự án nguồn điện tại Lào, gồm cả thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. EVNPECC 1 cũng đang nỗ lực góp phần thúc đẩy công tác tư vấn thiết kế truyền tải từ Lào về Việt Nam để tăng khả năng liên kết lưới điện trong khu vực, giúp hỗ trợ giải bài toán phát triển năng lượng tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhà máy Thủy điện Xekaman 3:

- Là nhà máy kiểu hở

- Gồm 2 tổ máy, công suất 125MW/tổ

- Điện lượng thiết kế trung bình: 982 triệu kWh

- Đập đá đổ bản mặt bê tông: cao 101,5m

- Hầm dẫn nước bọc bê tông: đường kính 4m; dài 5.862,6m

- Đường ống áp lực bọc thép chủ yếu nằm trong ngầm, đường kính từ 3,6 tới 3,1m, với 2 giếng đứng có tổng chiều dài 1.474,65m. 

 

  • 03/06/2022 05:45