Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đây là chủ đề hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức chiều 10/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có bài trình bày tại hội thảo này.

Khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong thời gian qua, phát triển năng lượng ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.

TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Nguồn ảnh: BNews

TS. Nguyễn Đức Hiển thông tin, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm, định hướng: ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thành tựu KHCN mới, Nghị quyết 55 cũng định hướng ứng dụng những thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong phát triển tất cả các lĩnh vực trong ngành năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình bày tại hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng Ban Viễn thông và công nghệ thông tin EVN cho biết, EVN đã ban hành Đề án ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2018. Các đơn vị trong tập đoàn triển khai 30 nhiệm vụ gồm các dự án/đề tài ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và quản trị. Đến thời điểm này, nhiều nhiệm vụ 4.0 đã cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện các mục tiêu EVN đề ra.

Với công tác chuyển đổi số, năm 2021, EVN đã ban hành Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Trong đó, xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số (sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin), đồng thời đề ra 92 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện. 

Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng Ban Viễn thông và công nghệ thông tin EVN đã trình bày tại hội thảo nội dung: Ứng dụng thành tựu cuộc CMCN lần thứ 4 và chuyển đổi số của EVN

Trưởng Ban Viễn thông và công nghệ thông tin EVN cũng dành nhiều thời gian chia sẻ cụ thể một số kết quả chuyển đổi số tiêu biểu tại EVN; đặc biệt trong việc vận hành các nguồn năng lượng tái tạo.

Cụ thể, EVN đã ứng dụng hệ thống AGC, giúp giám sát và điều khiển tự động công suất các nguồn năng lượng tái tạo cho các khu vực đầy, quá tải lưới nội miền ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang…  Đồng thời, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các đường dây truyền tải 500kV liên kết Bắc-Trung- Nam; minh bạch cơ chế huy động giữa các nhà máy, đảm bảo tính công bằng.

EVN cũng triển khai nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực. Trong vận hành nguồn điện mặt trời, hệ thống AI.SOLAR được EVN triển khai có khả năng thu thập dữ liệu và phân tích các kết quả thực tế, kết nối tích hợp với các dữ liệu thời tiết để hoàn thiện các dữ liệu dự báo cho tương lai. Cụ thể, tự động cung cấp cho người dùng biểu đồ theo thời gian và góc nhìn toàn diện về dự báo tình hình công suất phát điện theo các ngày; tự tính toán đưa ra các dự đoán về công suất nhà máy điện mặt trời...

Trong công tác đầu tư xây dựng, một số đơn vị của EVN đã ứng dụng AI trong giám sát thi công. Trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, EVN đã phát triển chatbot, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng…

“EVN ứng dụng thành quả CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số và sẽ xây dựng hệ sinh thái, nền tảng số để trong thời gian tới, các đối tác, khách hàng của EVN sẽ cùng tham gia vào nền tảng này” – ông Nguyễn Xuân Tuấn cho hay.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá, những chia sẻ của đại diện EVN tại hội thảo đã đem đến nhiều thông tin giá trị; thể hiện quyết tâm cao, kế hoạch chuyển đổi số cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện nay, trong xu thế phát triển năng lượng tái tạo, việc EVN ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo vận hành hệ thống điện là hết sức cần thiết. Ngành Điện hiện nay cũng đang đẩy mạnh ứng dụng thành quả CMCN 4.0, xây dựng lưới điện thông minh, đáp ứng các yêu cầu đề ra.