EVN trên lộ trình trở thành doanh nghiệp số hàng đầu khu vực

Trong xu thế phát triển nền kinh tế số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cơ hội để EVN phát triển nhanh và bền vững. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang ứng dụng các công nghệ chủ chốt như, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo... vào quản lý và vận hành hệ thống điện một cách hiệu quả.

Đẩy mạnh tự động hóa 

Tại Hội thảo “EVN với cuộc CMCN 4.0” diễn ra vào cuối năm 2018, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, trong cuộc CMCN 4.0, công nghệ số (tự động hóa, số hóa, công nghệ thông tin và viễn thông) đóng một vai trò rất quan trọng giúp hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ của các nền kinh tế được thực hiện một cách dễ dàng, hiệu quả và nhanh hơn. Trong xu thế đó, EVN cũng không nằm ngoài cuộc. Tập đoàn đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí.

Hiện nay, các đơn vị thuộc EVN đã đưa nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành hệ thống điện. Cụ thể, EVN đã triển khai hệ thống phần mềm dự báo thủy văn, dự báo tình trạng thiết bị trong các nhà máy điện; công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, trạm biến áp không người trực trên hệ thống lưới điện 110 kV - 220 kV. Ngoài ra, các ứng dụng quản lý mất điện OMS, hợp đồng mua bán điện số, cung cấp điện trực tuyến trong lĩnh vực phân phối; phần mềm SCADA/EMS/MMS, tự động điều khiển tổ máy AGC ở các trung tâm điều độ... cũng đã được triển khai, áp dụng. 

Trung tâm điều khiển xa của Tổng công ty Điện lực TP.HCM

 

Tại TP.HCM, lưới điện trên địa bàn đã cơ bản được tự động hóa, góp phần đẩy nhanh lộ trình phát triển lưới điện thông minh và nâng cao năng lực quản lý vận hành. Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, EVNHCMC đã giám sát, vận hành từ xa lưới điện gồm các trạm 220 kV phân phối, trạm 110 kV, các thiết bị đóng cắt trung thế. Riêng với lưới điện trung thế, 80% đã được điều khiển xa (Mini-SCADA); trong đó 20% lưới trung thế đã vận hành tự động, 95% sự cố được xử lý dưới 15 phút (trước đây trung bình là 75 phút), 50% sự cố xử lý dưới 5 phút.

Khi trí tuệ nhân tạo trở thành xu thế toàn cầu, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội và Tổng công ty Điện lực miền Trung đã hòa nhập cùng thời cuộc, đưa Chatbot vào lĩnh vực tư vấn, chăm sóc khách hàng. Không cần người điều khiển, Chatbot tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý những tình huống cụ thể, dựa trên kịch bản đã được lập trình sẵn. Trước các câu hỏi của khách hàng qua facebook, messenger, Chatbot sẽ “tư duy” và phản hồi một cách chính xác nhất, có thể tư vấn những thủ tục thông tin về điện 24/7. Việc ứng dụng Chatbot không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả chăm sóc khách hàng mà còn giảm áp lực công việc cho các tư vấn viên, đồng thời, hiện đại hóa phương thức tương tác giữa ngành Điện với khách hàng. 

Quản lý đường dây truyền tải bằng thiết bị bay không người lái

Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, năm 2019, Tổng công ty sẽ đưa 4 thiết bị bay không người lái UAV (Altura Zenith ATX8) vào quản lý vận hành đường dây tải điện. Với thời gian bay tối đa 40 phút trong phạm vi 18 km, ở độ cao 300 m, được trang bị camera nhiệt và camera độ nét cao (4K), máy bay có thể nhận dạng được thiết bị, mã hiệu thiết bị, xác định điểm sự cố và giám sát hành lang tuyến đường dây. Qua đó, hỗ trợ công nhân vận hành không phải đi dọc tuyến hoặc trèo lên cột kiểm tra định kỳ tình trạng thiết bị, hành lang tuyến như trước đây. Nhờ đó, giảm được thời gian, công sức, góp phần nâng cao năng suất lao động. 

EVNNPT cũng nghiên cứu sử dụng IoT Watson trên nền tảng điện toán đám mây của IBM để nhận dữ liệu bay thông qua mạng di động 4G, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của IBM để phân tích và phát hiện sự cố thiết bị (như phát nhiệt, hư hỏng cách điện), phát hiện nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện truyền tải... Trước đó, máy bay không người lái cũng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại Công ty Truyền tải điện 2.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng đang nghiên cứu, đưa vào ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, AI trong dự báo phụ tải, dự báo lượng nước về các hồ thủy điện, vận hành hệ thống tích hợp pin tích trữ năng lượng với các nguồn năng lượng tái tạo; triển khai hệ thống tự động điều khiển phát điện (AGC) có giao tiếp và trao đổi dữ liệu với các hệ thống phục vụ cho việc lập kế hoạch. A0 đặt ra mục tiêu đến 2025 sẽ trở thành một trong những đơn vị hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào vận hành hệ thống điện, thị trường điện.

Không chỉ có EVNNPT và A0, năm 2019 và những năm tiếp theo, Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng nhanh và hiệu quả công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ của CMCN 4.0 như IoT, AI, Big data, Cloud computing, Blockchain,... vào các hoạt động từ quản trị doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh; thực hiện kết nối trực tuyến, thông suốt các trung tâm dữ liệu, khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các kho thông tin dữ liệu; xây dựng các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu dùng chung…

Với việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào các hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện, thị trường điện, EVN đang phấn đấu trở thành Tập đoàn số hàng đầu trong khu vực. 

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

  • 26/04/2019 10:55