EVN tinh gọn lại các Ban Quản lý dự án nguồn điện

Từ chỗ có 6 Ban quản lý dự án nguồn điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay, EVN đã tin gọn xuống còn 3 Ban QLDA nguồn điện chuyên nghiệp gồm Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3.

Theo đó, 3 Ban Quản lý dự án điện mới được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các ban quản lý dự án thuộc EVN trước đó. Cụ thể: 
 
Ban Quản lý dự án điện 1 (EVNPMB1) thành lập trên cơ sở nhân lực, tài sản và cơ sở vật chất của Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Một số dự án thuộc nhiệm vụ Tập đoàn giao cho đơn vị này quản lý như: Dự án xây dựng công trình Thủy điện Sơn La; Thủy điện Lai Châu; Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III và dự án cơ sở hạ tầng dùng chung; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; dự án Thủy điện tích năng Mộc Châu,...
 
Ban Quản lý dự án điện 2 (EVNPMB2) thành lập trên cơ sở nhân lực, tài sản và cơ sở vật chất của Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 và Ban Quản lý dự án Thủy điện 1. Một số dự án thuộc nhiệm vụ Tập đoàn giao cho đơn vị này quản lý như: Dự án thủy điện Huội Quảng; thủy điện Bản Chát; các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; Nhà máy điện mặt trời Sê San 4;…
 
Ban Quản lý dự án điện 3 (EVNPMB3) thành lập trên cơ sở nhân lực, tài sản và cơ sở vật chất của Ban Quản lý dự án Thủy điện 5, Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 và điều chuyển một số nhân lực từ Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Một số dự án thuộc nhiệm vụ Tập đoàn giao cho đơn vị này quản lý như: Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (xử lý các phần còn tồn đọng); dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV; các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Tân Phước; dự án Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng; Thủy điện Trị An Mở rộng; các dự án điện mặt trời Trị An, Phước Thái, Sông Bình, Phước Trung, Lộc Ninh 1; Thủy điện tích năng Bác Ái, Đơn Dương,...
 
Cả 3 Ban QLDA này đều là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, hoạt động theo phân cấp và ủy quyền của EVN. 
 
Ngoài ra, EVN cũng quyết định thành lập 2 đơn vị còn lại là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN.
 
Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) có ngành, nghề kinh doanh chính là dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí và kiến trúc của nhà máy điện; thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị điện, công trình đường dây và TBA; kiểm tra định kỳ kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện; tư vấn: quản lý dự án, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, đầu thầu, lập dự toán, thẩm tra và giám sát thi công lắp đặt thiết bị của các công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp. 
 
Một trong những ngành, nghề kinh doanh chính của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là sản xuất và kinh doanh điện năng; tham gia thị trường điện lực theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị này cũng quản lý vận hành các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái sau khi đi vào vận hành. 
Icon.com.vn

  • 26/11/2018 12:38