EVN góp ý dự thảo Quy hoạch điện VIII của Viện Năng lượng

Ngày 13/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) có buổi làm việc về Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến các đơn vị thuộc Tập đoàn trên toàn quốc.

Ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Viện tham dự buổi làm việc. Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các đơn vị thuộc EVN. 

Viện Năng lượng đã trình bày các báo cáo về phương pháp luận tổng quát thực hiện Quy hoạch điện VIII; dự báo phụ tải điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; liên kết lưới điện khu vực, điện nông thôn, hệ thống điều độ, vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế, đánh giá tác động môi trường…

Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chính trong đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn tới

Viện Năng lượng cũng báo cáo các cơ chế, giải pháp để thực hiện Quy hoạch điện VIII như: xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; cơ chế hỗ trợ cho các dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhằm thúc đẩy nội địa hóa thiết bị, kéo chuỗi cung ứng thiết bị về Việt Nam, tạo điều kiện giảm giá thành sản xuất điện,...

Bên cạnh đó, Viện Năng lượng cũng đề xuất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) với khách hàng sử dụng điện (DPPA); hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện để đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống tích hợp quy mô lớn nguồn điện gió và mặt trời; khuyến khích nguồn NLTT tham gia thị trường điện; hoàn thiện khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải; xây dựng cơ chế phí và giá hợp lý cho hạ tầng năng lượng dùng chung để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư các dự án điện…

Cũng theo Viện Năng lượng, Quy hoạch điện VIII mang tính mở, tạo không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội trong phát triển ngành Điện. Do vậy, Viện Năng lượng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Điện trong giai đoạn tới; giao Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện.

Viện Năng lượng cũng kiến nghị Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương có công trình điện trên địa bàn, nhất là các trạm và đường dây 220 - 500kV, có trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Tại buổi làm việc, EVN đã trao đổi, đóng góp nhiều nội dung thiết thực đối với báo cáo của Viện Năng lượng. Một nội dung được đa số các đơn vị của EVN nêu ý kiến là tính toán của Viện Năng lượng về công suất đặt hệ thống điện giai đoạn tới đang quá lớn, tuy đảm bảo nguồn dự phòng cao nhưng cần tính toán lại để tối ưu hóa chi phí toàn hệ thống. Ngoài ra, việc phát triển các nguồn điện đang tập trung mạnh vào NLTT và LNG. Do vậy, cần tính toán về lưu trữ nguồn NLTT, tính khả thi của LNG nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng, miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải...

EVN cũng đề xuất Việt Năng lượng làm rõ hơn vấn đề nhập khẩu điện; cơ chế linh hoạt trong việc thay đổi, bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện; cần xây dựng thị trường năng lượng sơ cấp cạnh tranh, nhằm đảm bảo tính kinh tế cho hệ thống; xem xét đưa vào các cơ chế về huy động vốn; tính chấp hành, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư...

Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giai đoạn tới, EVN vẫn giữ vai trò chính trong đảm bảo cung ứng điện cho đất nước. Quy hoạch điện VIII sẽ liên quan "sát sườn" đến hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Do đó, việc nắm bắt kịp thời các thông tin của Quy hoạch điện VIII sẽ giúp EVN triển khai tốt hơn công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. 

  • 14/10/2020 02:34

Lĩnh vực hoạt động