Đại công trường "bạt núi khoan hầm" xây nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng khởi công đầu năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động năm 2025, sẽ góp phần cân đối an ninh năng lượng quốc gia.

Đại công trường xây nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (Video: dantri.com.vn).

Nhà máy thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) khởi công xây dựng năm 1979, hoàn thành năm 1994. Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị cho Việt Nam.

Đây là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, đồng thời có nhiệm vụ quan trọng như: điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu. Trong 30 năm qua, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất khoảng 230 tỷ kWh.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu dự án, cuối tháng 1/2021, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng, nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu.Dự án có tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng do nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Lilama 10 và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (EVNPECC1) thực hiện công tác khảo sát, lập Thiết kế kỹ thuật và Thiết kế Bản vẽ thi công công trình, tư vấn lựa chọn nhà thầu xây dựng, thiết bị.

Từ khi khởi công xây dựng, dự án thi công luôn đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Đánh giá của Viện Vật lý Địa Cầu cho thấy, chỉ số rung chấn trong quá trình thi công dự án nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu gồm: Đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ,...

Tại công trường, mỗi ngày có hàng trăm công nhân, hàng chục thiết bị máy móc các loại đang thi công khẩn trương. Các mũi thi công đang tập trung đào hố móng các hạng mục nhà máy và kênh xả, cửa lấy nước và kênh dẫn vào cũng đang được đào, gia cố tạm hầm phụ, hầm tiêu nước mở rộng và các hạng mục phụ trợ...

Quá trình triển khai dự án được áp dụng các công nghệ mới trong việc quản lý chất lượng, kiểm soát an ninh trong công trường, bao gồm: áp dụng nhật ký điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử trong công tác quản lý thi công hiện trường để liên tục cập nhật số liệu, hình ảnh tình hình thực tế thi công, sử dụng hệ thống camera thông minh để kiểm soát người và phương tiện ra vào công trường. 

Địa hình thi công dự án rất hiểm trở, một bên là vách núi cao cheo leo, một bên là sông Đà sâu cả chục mét. Các mũi thi công tiến hành bạt núi, đào hầm, mỗi ngày vận chuyển hàng nghìn khối đá ra bên ngoài. Hàng nghìn khối bê tông cũng đã được đổ xuống mái ta luy dương tránh sạt lở từ phía trên đỉnh núi. Theo kế hoạch, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đảm bảo tiến độ sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/2025, phát điện tổ máy 2 vào tháng 7/2025 (quy mô 2 tổ máy với tổng công suất 480MW) và hoàn thành toàn bộ công trình tháng 8/2025. Công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần cho cân đối an ninh năng lượng quốc gia và sẽ mang lại các hiệu quả: (i) Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; (ii) Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; (iii) Giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Mới đây, trong chuyến làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát công trường thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Thủ tướng nhấn mạnh, công trình này sau khi hoàn thành góp phần cho cân đối an ninh năng lượng quốc gia, phải chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, phải bảo đảm chất lượng công trình, an toàn thi công đặt lên hàng đầu, bảo đảm giữ gìn môi trường sinh thái, phải cố gắng bảo đảm tiến độ thi công không để xảy ra các trục trặc; bảo đảm an toàn lao động, rút kinh nghiệm từ thế hệ đi trước...

Theo dantri.com.vn

 

  • 28/08/2023 01:45