Công suất năng lượng tái tạo được bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới đã tăng 50% vào năm 2023, đạt gần 510GW, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 3/4 tổng công suất bổ sung.
Sự tăng trưởng lớn nhất diễn ra ở Trung Quốc, khi công suất năng lượng mặt trời trong năm 2023 của quốc gia này vận hành tương đương với mức của toàn thế giới trong năm 2022. Công suất điện gió của Trung Quốc tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Brazil cũng cao kỷ lục.
Báo cáo cho thấy rằng theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 7.300GW trong giai đoạn 2023-2028 theo dự báo. Năng lượng mặt trời và gió chiếm 95% trong việc mở rộng, trong đó năng lượng tái tạo vượt qua than để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. Việc triển khai điện mặt trời và gió trên bờ đến năm 2028 dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi ở Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Brazil so với 5 năm qua.
Ảnh minh họa
|
“Báo cáo mới của IEA cho thấy rằng theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu COP28 là tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo, chính phủ các nước cần có các công cụ cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia”, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết.
Việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 sẽ khác nhau đáng kể tùy theo quốc gia, khu vực và công nghệ. Thách thức lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế là tăng cường đầu tư và "phủ sóng" việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Bên cạnh báo cáo, IEA cũng phát hành Công cụ theo dõi tiến độ năng lượng tái tạo mới, cho phép người dùng khám phá dữ liệu lịch sử và dự báo ở cấp khu vực và quốc gia, bao gồm cả việc theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Theo EVN