Chuyển đổi số và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng của EVN

Sáng 14-4-2021, lãnh đạo PECC1 cùng đoàn cán bộ đã tham gia hội nghị “Công tác đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)” năm 2021. Hội nghị diễn ra từ ngày 14-16/4/2021, tại Đà Nẵng do Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh và Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương làm chủ trì.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự có lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tập đoàn, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn; các Ban QLDA và công ty tư vấn trực thuộc Tập đoàn và trực thuộc các Tổng công ty. Tại đây, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn... các dự án nguồn và lưới điện. 

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Phó Tổng giám đốc PECC1 đã có bài tham luận tại Hội nghị về vấn đề Mở rộng công suất các nhà máy thủy điện hiện hữu”. Qua đó, ông cho biết “Thủy điện là loại hình có độ linh hoạt cao nhất trong hệ thống với khả năng khởi động, ngừng máy trong thời gian ngắn, tốc độ tăng giảm tải tốt, dải điều chỉnh cao, có khả năng chuyển bù - chuyển phát, vận hành ở vùng công suất thấp”, Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh, xem xét cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam có thể nhận thấy vai trò của nguồn thủy điện thể hiện trên những vấn đề chính như sau:

  • Vấn đề an ninh năng lượng: Các nguồn phát điện chủ yếu hiện nay trong hệ thống điện là Nhiệt điện than, khí và Thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than, LNG sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do hạn chế nguồn nguyên liệu trong nước. Trong khi đó, Thủy điện nếu được chú trọng khai thác sẽ là nguồn năng lượng quí giá (năm 2018 sản lượng thủy điện chiếm đến khoảng 47%, năm 2019 chiếm hơn 41%).
  • Giảm chi phí phát điện trong hệ thống: Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, chi phí vận hành thấp, góp phần hạ giá thành phát điện của hệ thống. Hiện nay giá thành sản xuất điện từ thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện ở Việt Nam.
  • Vấn đề chất lượng điện của hệ thống điện: Thủy điện có ưu thế trong việc điều chỉnh tần số, linh hoạt trong việc điều chỉnh cân bằng với công suất phụ tải, nhất là đáp ứng phụ tải đỉnh và đặc biệt là dự phòng sự cố công suất.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Phó Tổng giám đốc PECC1 trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh cũng cho biết: Giá trị của việc mở rộng thủy điện không phải là phần điện năng tăng thêm do mở rộng công suất mà là giá trị về công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh hoặc hỗ trợ hệ thống với thời gian nhanh nhất. Hiệu quả kinh tế thể hiện qua lượng điện năng mà phần mở rộng chuyển đổi được từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm. Mặt khác khi mở rộng, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống điện. Chính vì thế, trong cơ cấu nguồn điện tương lai, vai trò của các nhà máy thủy điện cần được xác định lại theo hướng đảm nhận vai trò phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và dự phòng công suất sự cố (cho các nguồn điện mặt trời) để phát huy ưu thế của thủy điện, góp phần bảo vệ môi trường do giảm chất thải rắn từ việc sử dụng thiết bị lưu trữ điện của năng lượng tái tạo.

Cũng tại hội thảo, nhiều bài tham luận khác của các đại biểu cũng được trình bày với các nội dung như:

  • Thực trạng, nhận diện các vướng mắc, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án”.
  • Thực trạng về chất lượng tư vấn khảo sát thiết kế và thách thức trong giai đoạn sắp tới đối với các công trình truyền tải điện.
  • Nâng cao hiệu quả quản lý thi công XDCT cùng chuyển đổi số toàn diện.
  • Một số vấn đề pháp lý về quản lý hợp đồng xây dựng.
  • Thực trạng các khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường GPMB, công tác bồi thường phục vụ thi công dự án lưới điện.

Toàn cảnh hội nghị

  • 15/04/2021 09:35