5 công nghệ lưu trữ sẽ khởi sắc trong năm 2017

Những xu hướng công nghệ này được dự đoán sẽ là hướng đi chủ đạo của ngành công nghiệp lưu trữ trong năm 2017.

AI

Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) đang định hình thế giới theo một cách tốt đẹp hơn và được nhận định sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Về cơ bản, một hệ thống trí tuệ nhân tạo phải thực hiện chuỗi quy trình "học hỏi", "hiểu" và "ra quyết định". Các giai đoạn trên đều cùng sử dụng chung một bộ lưu trữ, được đồng bộ dựa trên đặc trưng dữ liệu. Do đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo cần lưu trữ khối lượng dữ liệu rất lớn để phân tích, phải được trang bị dung lượng cực lớn để đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, theo nhận định thì trí tuệ nhân tạo sẽ khiến ngành công nghiệp lưu trữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khi cuộc cách mạng AI bùng nổ, hy vọng rằng các nhà nghiên cứu sẽ khám phá thêm nhiều giải pháp để sử dụng máy tính thông minh nhằm tạo ra giá trị từ dữ liệu lưu trữ.

Cloud

Hiện nay, hình thức lưu trữ đám mây (Cloud Storage) đang được đánh giá là một giải pháp tối ưu nhất, ngày càng được nhiều người dùng tin tưởng và sử dụng rộng rãi. Các hãng cung cấp đám mây ngày càng đưa ra nhiều dịch vụ cạnh tranh nhằm thu hút nhiều người dùng hơn. Những tên tuổi lớn như Microsoft, Google, IBM, Amazon cũng đang cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng của họ nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng. Chính vì vậy, hệ thống lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu phải ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu trên. Nhờ vậy, các công nghệ lưu trữ phục vụ cho đám mây là một trong những mục tiêu chính cho ngành công nghiệp này.

Lưu trữ đám mây được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2017

NVRAM

Theo định nghĩa chuẩn thì NVRAM (Non-Volatile Random-Access Memory) là một dạng bộ nhớ RAM có khả năng lưu dữ liệu khi bị mất điện (Non-Volatile). NVRAM xuất hiện đầu tiên trên máy tính xách tay và sau đó được sử dụng rộng rãi trên nhiều loại thiết bị khác như tablet, smartphone, máy in, router,... NVRAM vốn đòi hỏi ít năng lượng, có hiệu năng cao hơn nên được đánh giá sẽ là ứng cử viên tương lai thay thế công nghệ lưu trữ flash NAND phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, do công nghệ này có giá thành vẫn còn khá cao nên chưa thể sản xuất hàng loạt.

PCIe/NVMe

Công nghệ PCIe/NVMe (Non-Volatile Memory Express) được giới thiệu lần đầu tiên tại Computex 2016 và dự kiến sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ổ lưu trữ SSD. NVMe được thiết kế để tận dụng lợi thế của công nghệ bộ nhớ RAM Non-Volatile. Năm 2017, dự kiến PCIe/NVMe hầu như sẽ xuất hiện phổ biến trên các mẫu máy tính xách tay cao cấp. Về hiệu suất, PCIe/NVMe cung cấp khả năng đọc và ghi 2GB mỗi giây (Gen 2) hoặc lên đến 4GB mỗi giây (Gen 3), bỏ xa so với chuẩn ổ SSD SATA hiện nay. Điều đó cũng sẽ tăng cường sức mạnh cho các hệ thống bộ nhớ ảo của máy tính xách tay, mang lại một công cụ mạnh mẽ hơn.

SSD sử dụng giao tiếp PCIe tốc độ cao sẽ dần thay thế chuẩn ổ SSD SATA hiện nay

SDS

Giải pháp hệ thống lưu trữ định nghĩa bằng phần mềm SDS (Software-Defined Storage) được thiết kế dựa trên nền tảng hạ tầng siêu hội tụ (Hyper-Converged). Đó chính là nơi mà tất cả các thành phần thiết bị như máy chủ, thiết bị lưu trữ và thiết bị mạng được triển khai trọn gói cho khách hàng trong một tủ rack hoàn chỉnh duy nhất, cùng với các phần mềm giám sát thiết bị ảo và phần mềm quản lý. Sự tăng trưởng của việc sử dụng hạ tầng siêu hội tụ không chỉ làm thay đổi đặc điểm kỹ thuật của môi trường IT mà còn giúp thay đổi cả nhân sự quản lý công nghệ. Lưu trữ SDS là một phương pháp trong đó sử dụng phần mềm được lập trình để điều khiển tác vụ liên quan lưu trữ, được tách rời hoàn toàn với phần cứng lưu trữ vật lý.

  • 06/01/2017 12:00

Lĩnh vực hoạt động