25 năm đường dây cao áp 500 KV Bắc-Nam

Nhìn lại bối cảnh những năm đầu của thập kỷ 90, hệ thống điện của đất nước chúng ta còn bị chia cắt: Miền Bắc có một số nhà máy điện lớn như nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả lại, Ninh Bình; Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, và đặc biệt là nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với công suất gần 2000 MW mới đưa vào khai thác… ở Miền Trung hầu như chưa có một nhà máy điện lớn nào, còn Miền Nam, khu vực kinh tế năng động của Đất nước chỉ có nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, Trị An, và một số nhà máy nhiệt điện như Thủ đức, Trà nóc. Trong điều kiện đó các nhà máy điện khu vực miền Bắc không phát huy được tối đa công suất do nhu cầu thấp; khu vực miền Nam có nhu cầu điện rất lớn trong khi nguồn cung lại thiếu, dẫn đến việc cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như xảy ra tất cả các ngày trong tuần.

Với áp lực cấp điện cho miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Năng lượng khi đó, Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 - PECC1) đã chủ trì với sự tham gia của các đơn vị tư vấn như Công ty PPI Australia, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mà cụ thể là với bộ môn Hệ thống điện do hai giáo sư Trần Đình Long và Lã Văn Út đứng đầu và Công ty thiết kế điện Nippon Koei, Nhật Bản đã hoàn thành luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật Dự án đưa điện từ Miền Bắc vào Miền Nam bằng đường dây siêu cao áp 500 kV. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học trong và ngoài nước về kỹ thuật, về thời gian xây dựng và hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tất cả vì sự phát triển của đất nước, đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư ngành điện đã chứng minh Dự án hoàn toàn khả thi về  mặt kinh tế, kỹ thuật.

Trong một cuộc họp tại Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 bàn về đường dây 500KV Bắc-Nam.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ hai từ trái), Giám đốc Công ty Trương Bảo Ngọc (ngoài cùng bên phải - nguyên Phó TGĐ EVN)

Với sự quyết tâm của cả đất nước quyết mang dòng điện từ Miền Bắc vào Miền Nam; trên cơ sở những kết quả nghiên cứu toàn diện, khách quan, khoa học, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương thực hiện dự án vào tháng 1/1992 và sau đó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (nguyên Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã có Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật với mục tiêu hoàn thành dự án trong vòng 2 năm, truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm vào Thành phố Hồ Chí Minh với công suất Max là 600 MW - 800 MW; làm tiền đề liên kết thống nhất lưới điện cả 3 miền bằng cấp điện áp 500 kV.

Ngày 5/4/1992 chính thức khởi công công trình, lễ được tổ chức đồng thời ở 4 cung đoạn, Thủ tướng dự ở cung đoạn 1 Hòa Bình. Ngay sau ngày khởi công, Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 đã trình bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và các tài liệu cần thiết để Bộ tổ chức các cuộc đấu thầu quốc tế mua vật liệu, thiết bị cho công trình. Gần 4000 cột thép các cơ sở trong nước chế tạo phần lớn và để kịp tiến độ, đã phải nhập thêm cột từ Hàn Quốc và Ucraina thông qua đấu thầu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Năng lượng khi đó, sự quyết tâm cao độ và sức lao động bền bỉ, tận tụy của tập thể cán bộ, lãnh đạo Ban QLDA, các cán bộ kỹ sư thiết kế, các Công ty Xây lắp điện 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà và hỗ trợ rất lớn từ lực lượng quân đội như Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3, sự giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền và nhân dân 17 tỉnh, thành phố mà đường dây đi qua, và nhiều đơn vị khác, một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn, cụ thể:

- Đã thực hiện khối lượng khảo sát với khoảng 2.000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5.200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá,.. trên tổng chiều dài 1.487 km đường dây và 5 trạm biến áp.

- Đối với đường dây: Đã đào đúc và lắp dựng 3.437 cột tháp sắt (trong đó có 12 vị trí đảo pha); căng 1.487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000 m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

- Trạm biến áp: Đã xây dựng 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Giai đoạn 1 (5/1994) lắp đặt 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Hòa Bình và 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 MBA 500kV- 3x150MVA tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Pleiku.

Trong suốt 2 năm 1992-1994 không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt... tất cả các đơn vị rải ra trên các cung đường đều một lòng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Có rất nhiều vị trí không thể dùng máy móc đưa thiết bị, vật tư lên cao, như ở đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, Giằng, Đại Lộc, Khâm Đức... chỉ huy công trường đã huy động được cả người dân địa phương gùi từng bao xi măng, bao cát lên đỉnh núi để đúc móng cột. Hàng trăm nghìn tấn thép cột được xe chở đến trục đường chính, rồi tỏa về các vị trí dựng cột, hầu như tất cả đều trên vai mang vác của người thợ. Lực lượng hậu cần thì lo cái ăn cho hàng vạn người lao động trên các vùng rừng núi, sông, suối cũng vô cùng vất vả.

Những nỗ lực, cố gắng trong trên 700 ngày đêm của hàng chục ngàn cán bộ công nhân lao động cuối cùng đã được đền đáp: vào 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của NMTĐ Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500 kV, chính thức đưa hệ thống 500 kV vào vận hành.

Như vậy Dự án đường dây 500 kV Bắc Nam đã được hoàn thành sau 2 năm thi công đảm bảo đúng tiến độ đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt với tổng giá trị quyết toán là 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu đô la Mỹ), thấp hơn 225,59 tỷ đồng so với TKKT-TDT.

Đây thực sự là một kỳ tích của thời kỳ đổi mới đất nước! Trong suốt thời gian thi công thường xuyên có mặt trên công trường hàng vạn người, cũng khó tránh khỏi những tổn thất về người khi phải làm việc ở những nơi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt... Sau này, ngành điện lực mở thêm những tuyến cao áp 500 KV mới, song tuyến Bắc - Nam vẫn là trụ cột cho lưới điện của đất nước.

Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 được nhiều người biết tới với những kỷ lục mà ít công trình khác đạt được, đó là công trình mà ở đó các cấp có thẩm quyền đã đưa ra những quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất; khảo sát thiết kế nhanh nhất, giải phóng mặt bằng nhanh nhất; thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và còn có thể  còn nhiều cái nhất nữa, xứng đáng là một bản anh hùng ca của cán bộ công nhân viên ngành điện trong thời kỳ đổi mới. Công trình đã để lại nhiều bài học cho thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện sau này. Đó là những bài học về tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, tất cả vì sự nghiệp chung; đó là bài học về tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đó còn là bài học về sự đổi mới, dám từ bỏ những giáo điều, lạc hậu để tiến lên phía trước.

  • 05/10/2018 09:00