Hội thảo 'Cơ chế chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững'

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững".

Tham dự hội thảo có ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hội thảo tập trung vào những vấn đề thực tiễn về phát triển năng lượng Việt Nam gồm điện, khí, các dự án năng lượng khác như than, sinh khối, điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi; kinh nghiệm rút ra từ quy hoạch điện VII điều chỉnh,... 

Trong những năm qua, Nhà nước khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời với giá mua điện hấp dẫn, qua đó bổ sung công suất cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 27%. Trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều tới điện gió ngoài khơi, vì điện gió ngoài khơi công suất tuabin từ 45-50MW, lớn hơn nhiều điện gió trong bờ (chỉ từ 3 đến 4MW). Điện gió ngoài khơi sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện và tiến tới xóa bỏ được điện phát thải khí nhà kính như nhiệt điện than, LNG…

Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, kinh tế, bảo vệ môi trường; phát triển các nguồn điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, có 3 yếu tố quyết định của một dự án: yếu tố vốn là hàng đầu, hai là cơ chế chính sách, ba là sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu. Quá trình phát triển năng lượng là một quá trình kéo dài nhiều năm, khó khăn, phức tạp. Để giải quyết được vấn đề này cần có cơ chế chính sách, sự chỉ đạo từ trên xuống dưới, vai trò của các chủ đầu tư, giám sát các công trình năng lượng để các dự án đó không bị chậm tiến độ.

Đại diện EVN nêu các kiến nghị tại hội thảo

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ báo cáo kiến nghị đề xuất lên các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành, các tập đoàn, các nhà đầu tư, các nhà cấp vốn,… về cơ chế chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển năng lượng Việt Nam một cách bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.

Đại diện EVN cũng có tham luận tại hội thảo. Trải qua gần 10 năm triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong cả giai đoạn 2011-2020, EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ về đầu tư nguồn điện với tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ đầu tư nguồn điện trên 93%. Các nguồn điện chậm tiến độ chủ yếu do các chủ đầu tư ngoài EVN thực hiện.

Để đảm bảo tính khả thi thực hiện dự án điện, EVN đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện và ban hành các nghị định, thông tư và hướng dẫn đối với Luật số 03/2022/QH15 (sửa đổi, bổ sung một số Điều của 09 Luật), làm rõ nội dung Nhà nước độc quyền vận hành lưới truyền tải điện; ban hành quy định để Nhà nước quản lý, kiểm soát việc đầu tư vào lưới điện truyền tải của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng quốc gia; đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế, quy định trách nhiệm của nhà đầu tư là thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư trong việc tự vận hành hoặc bàn giao vận hành lưới điện truyền tải cho các đơn vị ngành Điện. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo (tạo hành lang pháp lý vững chắc cho đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, phát triển chuỗi cung ứng…). Xây dựng các cơ chế để thu hút đầu tư, huy động vốn. Xây dựng các cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.

  • 20/06/2022 02:05

Lĩnh vực hoạt động