Thưa ông, tiến độ đường dây 500 kV mạch 3 đang vào giai đoạn nước rút nhưng dự án gặp quá nhiều yếu tố khách quan tác động. Xin ông cho biết đó là những yếu tố nào?
Ông Bùi Văn Kiên: Dự án đường dây 500 kV mạch 3 có chiều dài 742 km với tổng số 1.606 vị trí móng trụ, hiện đã bàn giao mặt bằng được 1.544 vị trí, đạt 96%. Tuy nhiên, phần hành lang tuyến mới chỉ giải tỏa được 1.047 khoảng cột, đạt 65%. Đối với việc thi công, đến nay phần móng đã xây dựng được 1.480 vị trí; dựng cột 1.195 vị trí. Theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao, dự án phải hoàn thành vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và dịch COVID-19 khiến cho tiến độ dự án bị chậm tiến độ thực hiện.
Dịch COVID-19 bùng phát 2 đợt, nhất là đợt bùng phát thứ 2 mà tâm điểm là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực đang triển khai Dự án. Các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch nên hầu như không thể quan tâm đến việc triển khai BT-GPMB. Các cán bộ thực hiện công tác BT-GPMB của CPMB, các nhà thầu xây lắp phải cách ly, giãn cách theo quy định; công tác vận chuyển vật tư thiết bị, chuyển quân và bố trí lực lượng của các nhà thầu xây lắp… gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc làm cho nhiều nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị bị chậm tiến độ giao hàng, không bố trí được chuyên gia giám sát lắp đặt,… Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của dự án.
Cùng với đó, hiện tại, Dự án tiếp tục bị ảnh hưởng tiến độ do các cơn bão lớn, mưa to và lũ lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung. Theo thông tin chưa đầy đủ; các địa phương đang căng mình chống bão lụt nên không thể triển khai công tác BT-GPMB được. Các nhà thầu xây lắp đều phải tạm dừng thi công vì mưa lũ; nhiều đoạn đường thi công bị sạt lở nghiêm trọng, có thể có vị trí móng bị ảnh hưởng,… Sau khi hết bão lũ, Tổng công ty sẽ tổng hợp đầy đủ các thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ nhưng chắc chắn ảnh hưởng của bão lũ vừa qua tại khu vực miền Trung đến tiến độ của dự án đường dây 500 kV mạch 3 là rất lớn.
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công trường đường dây 500 kV mạch 3.
Xin ông cho biết với những yếu tố tác động đó khiến dự án phải kéo dài hơn bao lâu so với kế hoạch?
Ông Bùi Văn Kiên: Theo tính toán của EVNNPT, trong đợt 1, dịch bệnh đã làm chậm tiến độ thi công khoảng 3 tháng (từ tháng 2 đến cuối tháng 4/2020), đợt dịch COVID-19 lần 2 cũng sẽ làm chậm khoảng 2 tháng. Các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị bị chậm khoảng 3 tháng, riêng gói thầu cung cấp tụ bù khả năng chậm dài hơn.
Ảnh hưởng của bão lớn, mưa to và lũ lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung năm nay còn chưa đánh giá được đầy đủ do tình hình bão, lũ vẫn diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, tổng hợp, đánh giá và khắc phục các thiệt hại chưa triển khai được. Chúng tôi dự kiến dự án sẽ bị chậm thêm ít nhất 2 tháng do ảnh hưởng của bão lũ.
Trước những tác động khách quan này, EVNNPT đã có những chỉ đạo cũng như đề ra những giải pháp nào để kiểm soát tiến độ chung của Dự án?
Ông Bùi Văn Kiên: Trên cơ sở tổng tiến độ dự án, EVNNPT đã chỉ đạo CPMB lập tiến độ điều hành chi tiết đối với từng nội dung công việc từ BT-GPMB, cung cấp VTTB, xây lắp,… để điều hành, giám sát, đôn đốc theo tiến độ thực hiện. CPMB và các nhà thầu xây lắp thành lập các ban tiền phương để trực tiếp điều hành, giải quyết các nội dung có liên quan tại công trường.
Tổ chức phát động thi đua liên kết giữa chủ đầu tư, các nhà thầu, chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, vì chất lượng, tiến độ dự án.
Lãnh đạo EVNNPT, CPMB thường xuyên bám sát công trường để kịp thời giải quyết các nội dung có liên quan, nhất là các vấn đề phát sinh. Báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN thường xuyên, kịp thời các nội dung liên quan đến dự án. Tranh thủ tối đa sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các địa phương và EVN để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án.
Chỉ đạo CPMB và các nhà thầu thi công, khảo sát trên toàn tuyến đối với những khoảng cột giao chéo với đường giao thông, đường điện, các công trình hạ tầng khác để chủ động lên phương án phối hợp với các cơ quan chủ quản thống nhất kế hoạch thi công kéo dây, đặc biệt là giao chéo các công trình điện, phải có kế hoạch chi tiết để đăng ký với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị liên quan về kế hoạch đăng ký cắt điện phục vụ thi công.
EVNNPT cũng yêu cầu các nhà thầu thi công có biện pháp tăng cường nhân lực, thiết bị thi công đối với các vị trí móng đã bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dựng cột, kéo dây. CPMB hỗ trợ nhà thầu thi công làm việc với địa phương và các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ đền bù thi công, yêu cầu nhà thầu thi công phải chủ động trong công tác bồi thường thi công.
Để đường dây về đích, EVNNPT có đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương?
Ông Bùi Văn Kiên: Trên cơ sở tình hình thực hiện công tác BT-GPMB, cung cấp VTTB và thi công của các dự án đến thời điểm hiện nay, để hoàn thành đóng điện các dự án phù hợp với các điều kiện thực tế, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo UBND các tỉnh tập trung xử lý các vướng mắc, tồn tại về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bộ Công Thương tổ chức các buổi làm việc với UBND các tỉnh có dự án để hỗ trợ EVN/EVNNPT trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
UBND các tỉnh chỉ đạo các huyện thành lập các tổ công tác tuyên truyền vận động để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm tranh thủ sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng. Trường hợp cần thiết, đề nghị chính quyền địa phương xem xét sử dụng các biện pháp như cưỡng chế, bảo vệ thi công,…
Về phía EVNNPT/CPMB sẽ tiếp tục điều hành dự án một cách tích cực, chủ động; bám sát chính quyền địa phương để phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân đồng thuận nhằm thực hiện tốt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Xin cảm ơn ông!