100 tỷ kWh: Mốc son quan trọng của Công ty Thủy điện Sơn La

Sau 10 năm vận hành đối với Nhà máy Thủy điện Sơn La và 4 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Công ty Thủy điện Sơn La vừa đạt sản lượng 100 tỷ kWh. Con số này có ý nghĩa thế nào đối với hệ thống điện quốc gia? evn.com.vn có cuộc trao đổi với ông Khương Thế Anh – Giám đốc công ty xoay quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, công ty vừa đạt sản lượng phát 100 tỷ kWh điện, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống điện cũng như đối với công ty?

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao nhiệm vụ quản lý và vận hành 2 nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà là NMTĐ Sơn La công suất 2.400MW và NMTĐ Lai Châu công suất 1.200MW.

Tổng công suất của 2 nhà máy là 3.600MW - chiếm khoảng 6,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc. Mỗi năm 2 nhà máy cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh - chiếm tỷ lệ khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Sản lượng điện phát 100 tỷ kWh đã đóng góp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, cả 2 nhà máy giữ vai trò điều tần nhằm đảm bảo ổn định hệ thống điện trong bối cảnh nhiều nhà máy điện mặt trời vào hoạt động thời gian qua.

Đồng thời, kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Thủy điện Sơn La luôn là đơn vị dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Bắc. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước đối của công ty từ khi thành lập đến nay xấp xỉ đạt 17.000 tỷ đồng.

Có thể nói, dấu mốc này là niềm vinh dự và tự hào của CBCNV Công ty Thủy điện Sơn La, cũng đồng thời là động lực để Công ty cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ Tập đoàn giao.

PV: Quản lý, vận hành 2 NMTĐ chiến lược đa mục tiêu và lớn bậc nhất ở Việt Nam, bên cạnh nhiệm vụ phát điện, xin ông cho biết việc chống lũ, chống hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc được công ty thực hiện như thế nào ? 

Ông Khương Thế Anh: Sản xuất điện chỉ là trong 3 nhiệm vụ chính của các nhà máy. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động lớn đến nguồn nước không những cho phát điện, mà cho cả điều tiết nước về mùa lũ và cung cấp nước về mùa khô. Do đó, ngoài việc đảm bảo các tổ máy hoạt động ổn định, liên tục, công ty theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, đề xuất điều tiết liên hồ chứa đảm bảo tận dụng tối đa nguồn nước.

Để chủ động, đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác vận hành hồ chứa tiến tới vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực, trong thời gian tới công ty sẽ phối hợp với đơn vị chuyên ngành lắp đặt thêm các trạm đo mưa, thủy văn, rada thời tiết và thuê cả vệ tinh để dự báo khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời hơn.

Ngoài ra, khi hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu hình thành đã tạo nên nhiều tiềm năng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Bắc như: phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lồng, tôm …) trên lòng hồ, phát triển ngành nghề du lịch lòng hồ thủy điện, phát triển lĩnh vực giao thông thủy,… góp phần rất lớn vào công ăn, việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.

Với nguồn ngân sách hàng năm nộp cho các địa phương rất lớn đã giúp các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn 3 tỉnh.

PV: Xin ông cho biết đâu là những yếu tố quan trọng nhất để công ty đạt được những kết quả nổi bật như trên?

Ông Khương Thế Anh: Để đạt kết quả nêu trên phải kể đến rất nhiều các yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên cần nhắc đến là công ty thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương, EVN; sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; sự phối hợp tốt giữa các Sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh Tây Bắc, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Công đoàn, Đoàn thanh niên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đội ngũ CNCNV của công ty có tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu công việc có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, tâm huyết, đam mê với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trong quá trình vận hành hồ chứa luôn thực hiện đúng quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; phát huy tối đa giá trị của nguồn nước; điều tiết hồ chứa phục vụ cắt lũ vào mùa mưa và xả nước tưới tiêu cho Đồng bằng Bắc Bộ trong mùa khô được tính toán, tham mưu chuẩn xác, tối ưu với công tác phát điện.

PV: Công ty đã làm gì để luôn vận hành các tổ máy an toàn, đạt hiệu quả, độ khả dụng các tổ máy luôn đạt và vượt so với kế hoạch Tập đoàn giao, thưa ông?

Ông Khương Thế Anh: Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị, công ty đã thực hiện một số nội dung trọng điểm như sau:

Về công tác đào tạo, để đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và công trình trước tiên phải hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thiết bị, công trình. Chính vì vậy, hàng năm, công ty không chỉ tổ chức các khóa bồi huấn, đào tạo định kỳ theo quy định của ngành, mà còn thường xuyên đào tạo chuyên sâu, đào tạo theo tình huống, giả định các nguy cơ có thể xảy ra. 

Về quản lý, công ty thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra hiện trường, kịp thời phát hiện, chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục, xử lý các nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị. Hàng năm, Ban Giám đốc phối hợp với BCH Công đoàn công ty cũng phát động các phong trào thi đua về công tác an toàn gắn với từng lĩnh vực hoạt động của các phòng, phân xưởng.

Toàn cảnh công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La

PV: Thưa ông, Tập đoàn yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, vấn đề này được Công ty Thuỷ điện Sơn La triển khai như thế nào?

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La luôn tự hào là một trong số các đơn vị trực thuộc EVN có đội ngũ CBCNV có tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản. Cùng với nhiệt huyết và đam mê khoa học công nghệ, trong thời gian qua, công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được EVN, địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận.

Từ thành công đó, Tập đoàn đã giao công ty nhiều đề tài ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành, đặc biệt 2 lĩnh vực mới được áp dụng tại Việt Nam là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý an toàn công trình thủy điện, vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

PV: Công ty có đề xuất kiến nghị gì với các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo vận hành 2 NMTĐ an toàn, hiệu quả, kinh tế?

Ông Khương Thế Anh: NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu là 2 nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Các công trình được Thủ tướng phê duyệt đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ chứa thủy điện trải dài và liên quan đến 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Để vận hành an toàn, hiệu quả, kinh tế 2 công trình, công ty kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng để bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái.

Công ty rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ của các Bộ, ban ngành, địa phương trong công tác PCTT&TKCN, đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa khi vận hành cũng như khi xả lũ, giữ vững an ninh trật tự cho 2 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

  • 13/10/2020 02:35

Lĩnh vực hoạt động