Tham gia Hội thảo có PGS.TS. Trần Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và truyền thông; TS. Bạch Tân Sinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ; cùng đại diện Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA), đại diện Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO).
Về phía EVN có ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cùng đại diện các Ban chuyên môn EVN, các đơn vị thuộc EVN.
Ông Võ Quang Lâm cho biết, quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Dưới tác động của CMCN 4.0, EVN cũng đã có lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, từng bước triển khai hệ thống đo đếm tiên tiến.
Tập đoàn cũng đã triển khai hệ thống SCADA, xây dựng các trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển từ xa tại các đơn vị, bước đầu xây dựng bản đồ GIS và dữ liệu lớn (Big data) của Tập đoàn…
Trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, một số đơn vị của Tập đoàn đã thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng. Năm 2018, EVN sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến tới cấp độ 4 - cấp độ cao nhất hiện nay.
“EVN sẽ tích cực tiếp cận các thành quả CMCN 4.0 để ứng dụng hiệu quả, xây dựng Tập đoàn trở thành 1 trong 4 đơn vị điện lực hàng đầu ASEAN, mang tới những dịch vụ điện tốt nhất cho khách hàng” - ông Võ Quang Lâm cho hay.
Theo PGS.TS. Trần Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, ngành Điện được hưởng lợi từ những đột phá trong công nghệ của thế giới. Đầu tiên là công nghệ IoT (Internet of things) - Internet vạn vật và Big Data (dữ liệu lớn) được ứng dụng để triển khai lưới điện thông minh, hỗ trợ ngành Điện giảm chi phí vận hành, quản lý hệ thống điện. Cùng đó, những đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy triều…) có thể bổ sung nguồn điện, đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, PGS.TS. Trần Minh Tuấn cho rằng CMCN 4.0 mang đến nhiều cơ hội như: Tăng cường hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết khách hàng, tạo thêm giá trị doanh nghiệp, tăng tốc độ phát triển sản phẩm dịch vụ mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức như: Nhận thức về CMCN 4.0 còn hạn chế, rào cản về đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT, dư thừa lao động có kỹ năng thấp, mất an ninh thông tin,…
Chia sẻ cụ thể hơn về công nghệ Internet vạn vận (IoT) trong công nghiệp năng lượng điện, TS. Bùi Tiến Dũng - Trung tâm Nghiên cứu Chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ nhấn mạnh số hóa là hoạt động đầu tiên để bước chân vào CMCN 4.0.
Sử dụng IoT trong ngành Điện gồm kiểm soát giám sát, thu thập dữ liệu (SCADA,…) và cơ sở hạ tầng đo lường tiên tiến (AMI). IoT có thể nâng cao hiệu suất và hiệu quả của lưới điện trong 3 khâu: Thu thập dữ liệu từ các cảm biến để cải thiện khả năng phục hồi của lưới điện, thông qua các tiện ích sử dụng dữ liệu đó để chủ động quản lý và phân bổ các nguồn lực; tối ưu hóa việc sử dụng và cung cấp điện.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông đặc biệt lưu ý ngành Điện về an toàn thông tin trong bối cảnh CMCN 4.0, khi mức độ tự động hóa của các trạm biến áp gia tăng cũng có thể dẫn tới nhiều rủi ro về an toàn thông tin.
Nếu ngành Điện bị tổn thương sẽ gây ra thiệt hại lớn và tác động trên diện rộng. Do vậy, việc phát triển công nghệ phải song hành với đảm bảo an toàn thông tin cho ngành Điện là yếu tố sống còn - ông Dũng khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu và diễn giả cũng đã trao đổi thêm về sự thích ứng của các tập đoàn năng lượng lớn của thế giới như KEPCO (Hàn Quốc), GE (Mỹ) với CMCN 4.0; cũng như những giải pháp để có thể đưa ngành Điện Việt Nam tiếp cận, bắt nhịp và ứng dụng hiệu quả các thành quả CMCN 4.0.
Theo EVN