Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các bước thực hiện lựa chọn nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng Dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp đặc biệt phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Được biết, Thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng trên dòng sông Đà nên có ưu thế được các hồ thủy điện bậc thang trên điều tiết nước hàng năm. Nhà máy có 8 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, sản lượng thiết kế bình quân 8,16 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, sau khi các tổ máy của Thủy điện Sơn La vào vận hành, Thủy điện Hòa Bình đều sản xuất được xấp xỉ 10 tỷ kWh/năm.
Mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mục tiêu quan trọng nhất không phải vấn đề sản lượng mà nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống, sau đó tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện.
Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, dự kiến tiến độ tổ máy 1 Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ được đưa vào vận hành năm 2021 và tổ máy 2 vào năm 2022.