Hội thảo Khí tự nhiên hóa lỏng Na Uy - Việt Nam

Sáng 04-11-2019, Hội thảo Khí tự nhiên hóa lỏng Na Uy – Việt Nam do Đại sứ quán Na Uy và Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1 (PECC1) đồng tổ chức, đã diễn ra thành công tốt đẹp tại khách sạn Melia, Hà Nội.

    Tham dự Hội thảo có Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Løchen; Tham tán thương mại Na Uy, Giám đốc Bộ phận Thương vụ, ông Arne-Kjetil; Giám đốc Midstream & LNG của tổ chức Đối tác Năng lượng Na Uy (Norwegian Energy Partner) Eirik Melaane; ông Lê Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc PECC1 và hơn 60 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức chủ chốt trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực LNG ở Việt Nam.

    Đặc biệt, Hội thảo có sự góp mặt của 10 công ty/ tổ chức đến từ Na Uy gồm Norwegian Energy Partner, DNV GL, Export Credit Norway, Golar Power, Höegh LNG, Kanfer Shipping, LNT marine, LMG marine, LNT Marine, Passer marine và Network LNG.

    Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Na Uy Grete Løchen nhấn mạnh, LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. Trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu năng lượng hiện nay ở Việt Nam và toàn khu vực, LNG là phương án thay thế tuyệt vời cho than, nhất là từ góc độ giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Bà Grete Løchen - Đại sứ Na Uy phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

    "Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ cao và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng LNG. Các công ty Na Uy có kiến thức chuyên môn và công nghệ trong lĩnh vực này và sẵn sàng chuyển giao cũng như chia sẻ với Việt Nam”, Đại sứ Na Uy Grete Løchen khẳng định.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hải Đăng – Trưởng ban Chiến lược và Phát triển EVN cho biết: Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước. Tuy nhiên, sau năm 2020, dự báo nguồn cung khí sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và chậm triển khai các mỏ khí mới. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện này ở khu vực phía Nam.

    Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 - 4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025; tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó. Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sử dụng cho các nhà máy điện. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau. Điều này khiến thị trường LNG ở Việt Nam trở nên “sôi động” hơn bao giờ hết.

    Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Vietbid, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, năm 2019 dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%. Cùng với đó, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

    Tuy vậy, việc dịch chuyển các dòng vốn FDI cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, do vậy Việt Nam sẽ cần tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện khí để bổ sung cho các nguồn điện hiện có.

      Để chuẩn bị tốt cho việc này, ông Baptiste Debaene, Giám đốc phát triển kinh doanh của Hoegh LNG cho rằng, bên cạnh các khung pháp lý hiện có, Chính phủ cũng nên hài hòa các yếu tố về thuế và nhập khẩu thiết bị cho các dự án về khí thiên nhiên hóa lỏng.

    "LNG được coi là nguồn tin cậy, sạch hơn so với than và việc nhập khẩu cũng đảm bảo hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới," đại diện Hoegh LNG nói.

    Hiện nay, Na Uy được đánh giá là một trong những quốc gia có thế mạnh về LNG. Các doanh nghiệp LNG của Na Uy hoạt động ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất LNG tới khí hóa, vận chuyển và sản xuất điện từ LNG. Đặc biệt, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới phát triển các trạm LNG nổi, hiệu quả về chi phí, tin cậy về giải pháp và được thi công trong một thời hạn ngắn.

    Ông Lê Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc PECC1 cho biết bên cạnh các dự án điện như mặt trời, điện gió thì việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện cũng là một hướng đi để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi cùng Đại sứ quán Na Uy đồng tổ chức Hội thảo và hy vọng đây là cơ hội thúc đẩy đối thoại tích cực giữa các nhà sản xuất, nhà tiêu dùng LNG và các bên liên quan, qua đó tăng cường hiểu biết chung về các xu thế của thị trường LNG toàn cầu và tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Liquefied Natural Gas (LNG) – Khí thiên nhiên hóa lỏng

LNG là khí không màu, không mùi, không độc hại và không có tính chất ăn mòn, có nhiệt độ ngọn lửa vào khoảng 2340ºC và nhẹ hơn không khí. Thành phần chủ yếu là metan (khoảng 95%) và một lượng nhỏ các khí khác.

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

  • 05/11/2019 08:14

Lĩnh vực hoạt động