Theo dự báo nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng hơn 10% mỗi năm từ năm 2016 đến 2020, và 8% mỗi năm từ năm 2021 đến 2030. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này, Việt Nam sẽ cần 60.000MW điện năng vào năm 2020, 96.500MW vào năm 2025 và 129.500MW vào năm 2030.
Theo tình hình đó, Chính phủ gần đây đã sửa đổi Kế hoạch phát triển nguồn năng lượng để tăng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác như sinh khối, năng lượng mặt trời và gió. Hội nghị sẽ cung cấp nền tảng tương tác cho các nhà đầu tư tiềm năng và các đơn vị chủ chốt của ngành từ hơn 25 quốc gia để cập nhật những hướng đi mới, chính sách đầu tư mới và tiềm năng thị trường của lĩnh vực năng lượng và ngành điện tại Việt Nam; đồng thời thảo luận về các chiến lược và chia sẻ những hiểu biết để hỗ trợ Quy hoạch phát triển điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu điện 515Twh vào năm 2030.
Theo ông Phan Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Công Thương), các thông tin từ hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nâng cao kiến thức và hiểu biết về thị trường năng lượng Việt Nam nói chung, cũng như các chính sách mới và tiềm năng từ thị trường này nói riêng.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Phó Tổng giám đốc PECC1 đọc bài tham luận và trả lời câu hỏi của các đại biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 cho biết: PECC1 với bê dầy kinh nghiệm tư vấn thiết kế năng lượng hơn 50 năm đã tham gia vào rất nhiều các dự án trọng điểm năng lượng của quốc gia. Công ty luôn là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào các dự án và luôn dẫn đầu khối tư vấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông cũng nêu khái quát hiện trạng và triển vọng của thị trường điện Việt Nam nói chung và nhấn mạnh về hiện trạng, nhu cầu cũng như kế hoạch phát triển của thủy điện nói riêng. Theo đó, Việt nam đã quy hoạch 824 dự án thủy điện với NQH = 24.778MW (chiếm 95,3% tiềm năng kinh tế), trong đó đã vận hành khai thác 343 dự án với NLM = 17.987MW và thi công xây dựng 165 dự án với NLM = 3.348MW. Hiện Việt Nam đang nghiên cứu 260 dự án, với NLM = 3.050MW (12,31% so với NQH). Như vậy mặc dù tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản đã được quy hoạch (đạt đến 95,3% tổng công suất tiềm năng kinh tế); các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 86,1% công suất quy hoạch, nhưng với vai trò không thể thay thế (khả năng phủ đỉnh cho biểu đồ phụ tải, cân bằng hệ thống điện) cùng với việc được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi nhất về mặt kinh tế - tài chính hiện nay, những dự án thủy điện vẫn là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh nhận Kỷ niệm chương từ Ban tổ chức
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra còn có triển lãm trưng bày những sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, công ty và các hãng lớn trên thế giới. Tại đây, các doanh nghiệp có thể kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
PECC1 giới thiệu và chia sẻ các sản phẩm dịch vụ cũng như kinh nghiệm của Công ty tới các đối tác