Cập nhật tình hình công nhận COD các nhà máy điện gió ở Việt Nam

Nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại trong tổng số 5.655,5 MW đăng ký công nhận vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021

Tính đến đầu tháng 8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản, hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của các nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Theo thông tin cập nhật của EVN, trong tháng 8/2021 vừa qua đã có một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận vận hành thương mại (COD) như sau:

Tên nhà máy điện gió

Số lượng tua bin đã COD

Tổng công suất đã được công nhận COD

Hòa Bình 1 - giai đoạn 2

04

15,2 MW

Số 5 Ninh Thuận

05

21 MW

7A

03

12,6 MW

Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại. Trong những ngày tới, EVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Trong đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió như đang ‘ngồi trên đống lửa’, đang ‘kêu trời’ và kiến nghị các cấp thẩm quyền cho giãn thời gian hiệu lực của cơ chế FIT, với mong muốn: Chính phủ xem xét gia hạn thời hạn giá FIT của điện gió thêm 6 tháng nhằm tránh việc hàng loạt các dự án điện gió bị phá sản.

Thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định: “Dịch Covid-19 là nguyên nhân bất khả kháng”, nên các chủ đầu tư không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường, hoặc khắc phục một phần tổn thất, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài, nhà cung cấp thiết bị tua bin điện gió. Các chủ đầu tư dự án đã nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh toàn bộ các phần việc trong nước có thể hoàn thiện bằng việc tăng suất đầu tư, chấp nhận tăng giá vật tư, thiết bị để đưa về công trường sớm hơn kế hoạch ban đầu, tăng cường huy động nhân lực, làm ca, kíp… Với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh chi phí dự án tăng cao dù lãi suất huy động vốn đã ấn định dự án rất khó có thể hoàn vốn và dẫn đến nguy cơ phá sản cao.

Với những thách thức, khó khăn lớn nêu trên, trong đó có những vấn đề “bất khả kháng” như tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã kiến nghị: Quyết định 39/2018/QĐ-TTg “về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam” đưa ra thời hạn biểu giá FIT hiện tại chỉ tới trước 00:00 ngày 1/11/2021, còn sau thời điểm này chưa có cơ chế tiếp nối cho điện gió. Do đó, trước mắt Chính phủ với tinh thần “tương thân tương ái của người Việt” cần có chính sách điều chỉnh, giãn thêm thời hạn hiệu lực của FIT điện gió, chủ yếu do tác động bất khả kháng của dịch bệnh Covid-19. Kiến nghị gia hạn giá FIT thêm 6 tháng đối với các dự án điện gió đang xây dựng và xem xét gia hạn giá FIT thêm 12 tháng đối với dự án điện gió ngoài khơi đang xây dựng do dịch bệnh Covid-19 và do các thủ tục giao mặt nước của các cơ quan quản lý nhà nước chậm, không rõ ràng thẩm quyền./.

  • 08/09/2021 03:25

Lĩnh vực hoạt động