Kết luận của Chính phủ về các dự án trọng điểm ngành điện và dự thảo QHĐ VIII

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 238/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện và nội dung dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Trước đó, ngày 1/9/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực( Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện và nội dung dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

I. Đánh giá chung:

Thực hiện Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), các bộ, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư các dự án điện, đặc biệt là EVN đã có nhiều cố gắng, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao về đầu tư phát triển nguồn và lưới điện; qua đó, việc thực hiện đã đạt được các kết quả nhất định, hệ thống điện đã được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy tiến độ triển khai hầu hết các dự án trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đều bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than quy mô công suất lớn và một số dự án lưới điện truyền tải liên vùng; ngành điện vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cũng như trong công tác quản lý nhà nước. Các vấn đề còn tồn tại và bất cập cần được các cấp, các ngành nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và tập trung khắc phục có hiệu quả.

II. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

1. Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống, đồng thời phát triển ngành điện bền vững, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Kiên quyết thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt; đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng, cũng như trong giai đoạn vận hành khai thác các công trình điện; chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.

3. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện bảo đảm thu hút đầu tư hợp lý, đúng mức, hiệu quả, phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh.

4. Nghiên cứu, xác định cơ cấu nguồn điện hợp lý để khai thác tiềm năng thế mạnh trong nước, phát triển hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than; phát triển nguồn điện hợp lý ở từng khu vực để bảo đảm an toàn cung ứng điện, giảm truyền tải điện xa và giảm tổn thất điện năng.

5. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cá nhân cao nhất, chủ động xử lý các công việc thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền trên tinh thần đổi mới suy nghĩ, cách làm để đạt mục tiêu chung và tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

III. Nhiệm vụ của các bộ, ngành và cơ quan liên quan:

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, khắc phục triệt để các tồn tại và bất cập trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành điện, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan cần tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

1. Bộ Công Thương:

Thứ nhất: Đổi mới công tác giám sát tiến độ thực hiện các dự án điện, nhất là các dự án trọng điểm; giải quyết theo thẩm quyền và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ các dự án, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh mục các dự án điện trọng điểm của ngành điện để tập trung theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.

Thứ hai: Nghiên cứu cơ chế xử lý đối với các dự án có tiến độ triển khai rất chậm, trì trệ, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện.

Thứ ba: Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các văn bản số 133/TB-VPCP ngày 29 tháng 5 năm 2021, số 91/TB-VPCP ngày 3 tháng 5 năm 2021, số 189/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ; thực hiện các thủ tục thẩm định và trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 9 năm 2021.

Thứ tư: Rà soát về cơ chế giá điện ở tất cả các khâu trong thời gian qua ở nước ta, nhất là giá phát điện của các loại nguồn điện; nghiên cứu kinh nghiệm giá điện các khâu, đặc biệt là khâu phát điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện trạng và giải pháp hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển hợp lý nguồn điện trong thời gian tới, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, giảm giá mua điện.

Thứ năm: Rà soát các quy định về thị trường điện lực cạnh tranh hiện nay phải bảo đảm yêu cầu thu hút đầu tư phát triển nguồn điện hợp lý và bảo đảm cung ứng điện; tiếp tục củng cố, phát triển thị trường điện lực cạnh tranh gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành điện theo các đề án đã được phê duyệt; rà soát, cập nhật các chủ trương chính sách mới để hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Thứ sáu: Hoàn thiện Kế hoạch hoạt động trong năm 2021 của Ban Chỉ đạo theo ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp theo nguyên tắc vừa bảo đảm tính toàn diện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ bảy: Khẩn trương hoàn thiện, trình ký ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo, trong đó, các phiên họp thường kỳ thực hiện định kỳ 6 tháng một lần và họp kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm ít nhất 3 tháng một lần.

Thứ tám: Rà soát tổng thể về hoạt động nhập khẩu than trong 9 tháng đầu năm 2021, đề xuất cơ chế quản lý minh bạch và hiệu quả cao nhất đối với hoạt động nhập khẩu than cho nhu cầu trong nước trong thời gian tới.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy nhanh tiến độ xử lý các nội dung về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án trọng điểm ngành điện, nhất là đối với các dự án lưới điện; xem xét xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương tại Văn bản số 36/BCĐQGĐL-VP ngày 23 tháng 8 năm 2021.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định chủ trương đầu tư các dự án điện theo thẩm quyền để cấp có thẩm quyền sớm xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Văn bản số 225/TB-VPCP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ để tháo gỡ việc quyết định chủ trương đầu tư xây dựng đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3.

4. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các dự án của EVN, PVN, TKV; khẩn trương xử lý các vấn đề tồn tại liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ tối đa công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện, nhất là các dự án lưới điện truyền tải trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý đất đai để tránh tranh chấp, khiếu kiện trong triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ trong thực hiện khảo sát, lập đơn giá và phê duyệt đơn giá bồi thường cho các dự án.

6. Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; kiên quyết tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng./.

THEO TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

  • 20/09/2021 09:34

Lĩnh vực hoạt động