Bộ Công Thương giải trình với Quốc hội 3 nhóm vấn đề của ngành điện

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký gửi lên Chính phủ và Quốc hội (ngày 21/5) giải trình việc tăng giá điện trong thời gian vừa qua đã giải thích rõ về những vấn đề dư luận đang quan tâm như: (1) Giá điện có đang bao gồm cả các chi phí đầu tư ngoài ngành, (2) số dư tiền gửi ngân hàng và (3) quản lý dòng tiền của EVN tại thời điểm 30/6/2018.

1/ EVN không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành

Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 về phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.

Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất, kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.

Riêng khoản vốn đầu tư còn lại là 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài ngành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

2/ Duy trì số dư tiền gửi để đạt mức tín nhiệm cho các khoản vay

Bộ Công Thương cho biết: Số dư tiền gửi tại thời điểm 30/6/2018 là 42.798 tỷ đồng là số liệu tại Báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN thời điểm 30/6/2018. Đây là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng.

So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 ngàn tỷ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, dầu), bán điện (55 ngàn tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10 ngàn tỷ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2,5 ngàn tỷ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng (16,5 ngàn tỷ đồng).

Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Trong khi đó, một số khoản vay nước ngoài của các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt, hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của Người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đối với Công ty mẹ - EVN, trung bình 1 tháng của năm 2018 thực hiện chi thanh toán khoảng 18.806 tỷ đồng cho thanh toán tiền mua điện và chi phí đầu tư chưa kể thanh toán các khoản chi phí khác.

Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu, hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

3/ Chi phí được kiểm toán độc lập, giám sát định kỳ

Theo qui định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ có chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện được phép đưa vào trong giá thành sản xuất, kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện. Các chi phí đầu tư ngoài ngành không được phép đưa vào trong giá thành sản xuất, kinh doanh điện, cũng như trong tính toán điều chỉnh giá điện.

Theo qui định trên, hàng năm, căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN. Chi phí sản xuất kinh doanh điện được tách bạch theo chi phí các khâu, như phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.

Năm 2018, trên cơ sở báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN, báo cáo tài chính của đơn vị điện lực được kiểm toán, Bộ Công Thương đã chủ trì kiểm tra, giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện, điều hành giá điện năm 2017. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam. Đoàn kiểm tra cũng có sự tham gia của Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (đại diện cho người tiêu dùng) và sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện của các khối doanh nghiệp).

Sau khi kết thúc kiểm tra, ngày 30/11/2018, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra, giám sát giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN và đã ban hành thông cáo báo chí.

Năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018, tổ chức họp báo và ra thông cáo báo chí về kết quả kiểm tra, giám sát giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 theo đúng qui định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

  • 22/05/2019 10:40

Lĩnh vực hoạt động